Bộ trưởng Nội vụ Iran Mostafa Mohammad Najjar cho biết theo thống kê sơ bộ, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu ngày 2-3 đạt 64% trên cả nước (năm 2008 đạt 57%), riêng tại thủ đô Tehran là 48% (năm 2008 đạt 30%).
Trong số 3.440 ứng cử viên cạnh tranh để giành 290 ghế tại quốc hội, hiện 135 ứng viên đã trúng cử, chủ yếu ở các đơn vị bầu cử nhỏ. Trong số này có nhiều gương mặt "độc lập" chưa từng được biết đến.
Số cử tri Iran đi bỏ phiếu cao hơn các cuộc bầu cử trước đó. Ảnh: AP
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội vừa mãn nhiệm Ali Larijani, một trong những đối thủ của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, đã tái đắc cử tại thành phố linh thiêng Qom.
Trong khi đó, một số nhân vật đương nhiệm nổi tiếng ủng hộ chính phủ đã bị đánh bại tại nhiều tỉnh. Em gái Tổng thống Ahmadinejad, bà Parvin Ahmadinejad lần đầu tiên ra tranh cử đã thất bại tại quê hương Garmsar, phía nam Tehran. Thất bại này được xem là cú đấm mạnh vào Tổng thống Ahmadinejad.
Một số gương mặt cải cách cũng thua cuộc, kể cả thủ lĩnh của phe cải cách Mohammad Reza Tabesh. Các phong trào cải cách chính, chiếm 60/290 ghế trong quốc hội vừa mãn nhiệm, đã tẩy chay cuộc bầu cử này.
Theo các nhà phân tích, bất chấp chiến thắng thuộc về phe nào, kết quả bầu cử sẽ không làm thay đổi các chính sách lớn của Iran, đặc biệt liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.
Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu này sẽ củng cố vị thế của Đại giáo chủ Ali Khamenei trước cuộc bầu cử tổng thống Iran tới đây cũng như dự báo tương lai sóng gió hơn trong 2 năm cầm quyền còn lại của ông Ahmadinejad.
Kết quả chính thức cuộc tổng tuyển cử dự kiến được công bố vào ngày 5-3.
Bình luận (0)