Với giọng điệu cứng rắn, ông Velayati cáo buộc Mỹ trực tiếp và châu Âu gián tiếp vi phạm thỏa thuận. Tuyên bố này được đưa ra 1 ngày trước hạn chót mà Iran đặt ra cho Anh, Pháp, Đức trong việc đề nghị các điều khoản mới. Các nước châu Âu này cho đến giờ vẫn chưa đưa ra giải pháp để giúp Iran tránh lệnh trừng phạt kinh tế của Washington sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận vào năm ngoái.
Hiện chưa rõ Iran muốn tăng cấp độ làm giàu urani lên mức nào. Trước đó, ông Velayati đánh tiếng Iran cần làm giàu urani ở mức 5% đối với lò phản ứng hạt nhân Bushehr, đồng thời mô tả đó là một mục tiêu hoàn toàn hòa bình. Là nhà máy điện hạt nhân duy nhất của Iran, Bushehr hiện sử dụng nhiên liệu nhập khẩu từ Nga và được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) giám sát chặt chẽ. Iran đã ngừng sản xuất urani làm giàu trên 5% từ tháng 1-2014 giữa lúc đàm phán hạt nhân diễn ra.
Các kỹ thuật viên làm việc tại một cơ sở xử lý urani tại TP Isfahan - Iran Ảnh: REUTERS
Thỏa thuận năm 2015 giới hạn cấp độ làm giàu urani của Iran ở mức không quá 3,67%, thấp hơn nhiều so với cấp độ vũ khí là 90%. Mặc dù Tehran phủ nhận việc theo đuổi vũ khí hạt nhân, thỏa thuận vẫn tìm cách ngăn chặn khả năng này bằng cách hạn chế làm giàu và dự trữ urani của Tehran xuống mức 300 kg. Hôm 1-7, Iran và các thanh tra Liên Hiệp Quốc thừa nhận Tehran đã phá vỡ giới hạn dự trữ urani.
Chuyên gia Miles Pomper thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury (Mỹ) nhận định việc Iran sẵn sàng làm giàu urani cấp độ cao hơn là diễn biến rất đáng lo ngại vì điều này có thể rút ngắn đáng kể thời gian mà nước này cần để sản xuất vật liệu cho vũ khí hạt nhân.
Ngoài cảnh báo trên, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết Tehran sẽ nối lại hoạt động của lò phản ứng nước nặng Arak trong ngày 7-7 nếu các nước châu Âu không thực hiện cam kết bảo vệ Iran trước chính sách thù địch của Mỹ. Tuy nhiên, ông để ngỏ khả năng Iran sẽ lại giảm mức dự trữ urani làm giàu xuống dưới 300 kg nếu Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận.
Căng thẳng giữa Iran và phương Tây đang leo thang sau vụ Anh bắt tàu chở dầu Grace 1 của Iran ngoài khơi Gibraltar hôm 4-7. Bộ Ngoại giao Nga hôm 5-7 lên án đây là "bước đi có chủ ý nhằm làm cho tình hình quanh Iran và Syria xấu đi". Tây Ban Nha, quốc gia đang tranh chấp chủ quyền Gibraltar với Anh, cùng ngày thông báo đang xem xét vụ việc ảnh hưởng đến chủ quyền mình như thế nào. Madrid cho rằng vụ bắt giữ trên dường như diễn ra trong lãnh hải mình.
Bình luận (0)