Người phát ngôn chính phủ Iran Ali Rabiei hôm 9-1 bác bỏ cáo buộc quân đội nước này bắn rơi máy bay Boeing 737-800 của Hãng hàng không Ukraine International Airlines, khiến 176 người thiệt mạng 2 ngày trước đó. "Tất cả những cáo buộc này là một cuộc chiến tâm lý nhằm vào Iran…Những quốc gia có công dân trên máy bay có thể cử nhóm đại diện đến Iran để tham gia điều tra hộp đen. Chúng tôi cũng hối thúc Boeing tham gia quá trình này" - ông Rabiei nói.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Canada Justin Trudeau viện dẫn thông tin tình báo khẳng định chuyến bay chở 63 công dân Canada nêu trên có thể đã bị tên lửa đất đối không của Iran bắn nhầm. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo chính phủ của ông "đang cấp bách xem xét" những báo cáo nói rằng máy bay bị tên lửa bắn rơi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khẳng định ông "nghi ngờ ai đó có thể đã mắc sai lầm". Mặc dù ông Donald Trump không trực tiếp cáo buộc Tehran, một số quan chức giấu tên của Mỹ khẳng định máy bay "nhiều khả năng" bị hệ thống phòng không của Iran bắn rơi, theo đài RT.
Tại thủ đô Kiev - Ukraine hôm 9-1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân trong vụ rơi máy bay. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, báo The New York Times đăng tải đoạn video được cho là ghi lại cảnh tên lửa Iran bắn trúng một máy bay gần sân bay Tehran, nơi máy bay gặp nạn. Nội dung đoạn video cho thấy một vụ nổ nhỏ đã xảy ra vào thời điểm được cho là tên lửa bắn trúng máy bay trên bầu trời TP Parand. Tuy nhiên, máy bay không nổ mà bay tiếp vài phút trước khi quay lại sân bay trong tình trạng bốc cháy rồi phát nổ và rơi nhanh chóng.
Những hình ảnh và âm thanh trong đoạn video trên trùng khớp với thông tin về đường bay và hình ảnh vệ tinh gần khu vực máy bay rơi do Công ty Maxar Technologies (Mỹ) cung cấp. Trong bối cảnh các nhà điều tra đang tìm hiểu nguyên nhân máy bay rơi, đoạn video này có thể cung cấp những manh mối mới. Đáp lại nghi vấn trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi yêu cầu Canada hoặc bất cứ quốc gia nào cáo buộc Tehran bắn rơi máy bay chia sẻ bằng chứng, cũng như thông tin tình báo "từ nhiều nguồn" với ủy ban điều tra ở Iran để làm rõ nguyên nhân.
Trong khi đó, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) thông báo đã chấp nhận lời mời của Iran về việc tham gia điều tra. Một quan chức giấu tên của NTSB cho biết hiện vẫn chưa rõ người đại diện của họ được phép thực hiện những hành động nào theo quy định của các biện pháp trừng phạt Mỹ. Trong tuyên bố của mình, NTSB khẳng định sẽ "tiếp tục theo dõi tình hình quanh vụ rơi máy bay và đánh giá mức độ tham gia trong cuộc điều tra này".
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi ông Farhad Parvaresh, người đại diện của Iran tại Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), xác nhận với Reuters rằng NTSB "đã hồi đáp điều tra viên trưởng của chúng tôi và cho biết sẽ cử một đại diện tham gia". Canada cử một chuyên gia đến Iran trong khi một nhóm đến từ Ukraine cũng tổ chức các cuộc thảo luận tại Tehran hôm 9-1. Ông Parvaresh đồng thời nói thêm rằng Iran sẵn sàng hỗ trợ lãnh sự và cung cấp thị thực cho những người đại diện được cử đến để "tiến hành một cuộc điều tra toàn diện, minh bạch".
Trong khi đó, chính phủ Ukraine cho biết đang điều tra báo cáo về mảnh vỡ từ tên lửa Tor-M1 do Nga sản xuất. Theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS), Tor-M1 là hệ thống tên lửa "tầm ngắn, bay nhanh và chết chóc", có thể tấn công các mục tiêu ở độ cao lên đến 6.000 m. Ông Carlo Kopp, nhà đồng sáng lập Tổ chức Air Power Australia (Úc), khẳng định với việc Tor-M1 có tầm bắn khoảng 12 km, các binh sĩ chỉ có khoảng 30-150 giây để quyết định liệu có nên phóng tên lửa để ngăn chặn mục tiêu hay không.
Bình luận (0)