Với bước đi này, Iran dường như để ngỏ khả năng để Mỹ giúp đỡ cuộc điều tra. Đây là động thái phổ biến trong các thảm họa hàng không cũng như cho phép quốc gia có chiếc máy bay gặp nạn được sản xuất được tham gia cuộc điều tra. Chiếc máy bay gặp nạn là loại Boeing 737-800 được sản xuất tại Mỹ.
Một quan chức Iran ngày 9-1 cho hay nước này đã chính thức mời Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) tham gia điều tra. Đại điện của Iran tại CAO Farhad Parvaresh cho biết NTSB đã đồng ý song NTSB vẫn chưa đưa ra bình luận gì.
Bên cạnh đó, Iran cũng thông báo với các quốc gia khác, trong đó có Ukraine và Canada.
Người dân tại TP Edmonton - Canada tưởng niệm các nạn nhân trong vụ rơi máy bay ở Iran hôm 8-1 Ảnh: Reuters
Dù vậy, theo trang Bloomberg, các cơ quan Mỹ liên quan, trong đó có Cơ quan an toàn giao thông quốc gia (NTSB), đang cân nhắc vấn đề trên do nỗi lo vi phạm các biện pháp trừng phạt mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang áp đặt lên Tehran. Một vấn đề khác là sự an toàn của các nhân viên Mỹ được gửi đến Iran, nếu có, bởi Washington và Tehran vẫn đang đối đầu căng thẳng.
Diễn biến trên phần nào cho thấy cuộc điều tra vụ rơi máy bay của hãng hàng không Ukraine International Airlines (UIA) đang đối mặt không ít khó khăn giữa lúc có những giả thuyết về nguyên nhân dẫn đến thảm họa này.
Báo cáo ban đầu của các nhà điều tra Iran cho biết máy bay bị cháy ngay trước khi rơi, khiến toàn bộ 176 người trên đó thiệt mạng, trong đó có 82 người Iran và 63 người Canada.
Theo báo cáo này, chiếc máy bay gặp trục trặc kỹ thuật ngay sau khi cất cánh và bắt đầu quay trở lại sân bay thì gặp nạn. Báo cáo không nói rõ máy bay bị trục trặc kỹ thuật gì nhưng một nguồn tin an ninh Canada nói với Reuters rằng có bằng chứng về tình trạng quá nóng của một trong những động cơ máy bay.
Tuy nhiên, trong ngày 9-1, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Boris Johnson đồng loạt dẫn các nguồn tin tình báo ám chỉ chính tên lửa Iran đã bắn rơi chiếc máy bay xấu số. Hành động này được xem là nhầm lẫn chứ không phải cố ý/
Vụ rơi máy bay xảy ra vài giờ sau vụ tấn công tên lửa của Iran nhằm vào lực lượng do Mỹ đứng đầu ở Iraq. Theo Bộ Ngoại giao Ukraine, trong số 176 người thiệt mạng có 82 công dân Iran, 63 người Canada, 11 người Ukraine, 10 người Thụy Sĩ, 4 người Afghanistan, 3 người Đức và 3 người Anh.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói chính phủ ông đang xem xét một vài nguyên nhân khả dĩ của vụ rơi máy bay nhưng không cho biết chi tiết. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Johnson ngày 9-1, Tổng thống Zelenskiy đã mời Anh tham gia điều tra.
Bình luận (0)