Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 6-8 nhấn mạnh Tehran chỉ để ngỏ khả năng đàm phán với Washington trong trường hợp Tổng thống Mỹ Donald Trump dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế vừa tái áp đặt lên nước này.
Iran cứng rắn
"Iran luôn sẵn sàng đàm phán. Nhưng Mỹ phải quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran và trung thực. Mỹ không thể thương lượng trong khi áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Iran và trẻ em nước này" - ông Rouhani nhấn mạnh trên đài truyền hình quốc gia.
Nhà lãnh đạo này cũng chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ, có hiệu lực từ ngày 7-8, là "chiến tranh tâm lý" nhằm chia rẽ người dân Iran. Ngoài ra, ông Rouhani cáo buộc chính quyền ông Trump lợi dụng Iran làm đòn bẩy chính trị trong nước trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào tháng 11 tới.
Phản ứng cứng rắn trên được đưa ra sau khi ông chủ Nhà Trắng ký sắc lệnh khôi phục các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, liên quan đến lĩnh vực mua bán vàng và các kim loại quý, ôtô, thương vụ máy bay, các giao dịch liên quan đồng rial… Theo đài BBC, gói trừng phạt thứ hai dự kiến có hiệu lực ngày 5-11 tới, sẽ đánh vào các lĩnh vực năng lượng, vận chuyển, kinh doanh xăng dầu và hoạt động giao dịch giữa các tổ chức tài chính nước ngoài với Ngân hàng Trung ương Iran.
Trước đó, chính quyền ông Trump hồi tháng 5 tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, lấy cớ đây là thỏa thuận một chiều. Giờ đây, ông Trump tin rằng áp lực kinh tế mới sẽ buộc Iran đàm phán về một thỏa thuận mới và chấm dứt các hành động "xấu xa" của mình. Ông Trump cũng cảnh báo các cá nhân hoặc doanh nghiệp nào vi phạm biện pháp trừng phạt có nguy cơ gánh chịu "hậu quả nghiêm trọng".
Ngành ôtô ở Iran bị ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ. Ảnh: AP
Đồng minh phản đối
Ngay sau khi Mỹ có bước đi đơn phương nói trên, Liên minh châu Âu (EU) đã kích hoạt điều luật bảo vệ công ty châu Âu khỏi tác động của các lệnh trừng phạt của Washington. Theo tờ Guardian (Anh), các doanh nghiệp châu Âu được yêu cầu không tuân thủ lệnh trừng phạt của Nhà Trắng, tức không chấm dứt làm ăn với Iran.
Những công ty nào quyết định ngừng giao dịch với phía Iran do sức ép từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ cần phải được Ủy ban châu Âu (EC) cho phép. Nếu không, họ có nguy cơ bị các quốc gia thành viên EU khởi kiện. Ngoài ra, một cơ chế khác cho phép doanh nghiệp EU bị ảnh hưởng kiện chính quyền Mỹ tại các tòa án của các nước thành viên.
Một tuyên bố chung của bộ trưởng ngoại giao 28 nước thành viên EU hôm 6-8 nhấn mạnh khối này quyết tâm bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình và thỏa thuận hạt nhân ký với Iran. Bất chấp lập trường mạnh mẽ này, giới quan sát vẫn hoài nghi tính hiệu quả bởi giới chức EU thừa nhận những công ty châu Âu nào tiếp tục đầu tư vào Iran đang đối mặt rủi ro. Theo kênh Fox News, ông Rouhani đã lên tiếng ủng hộ lập trường của EU và cho biết thêm Iran có thể hợp tác với Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực dầu khí và ngân hàng.
Sắc lệnh trừng phạt Iran của ông Trump còn đẩy Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - 2 đồng minh NATO - vào cuộc đối đầu mới khi Ankara nhấn mạnh các hành động đơn phương của Washington không có tính ràng buộc đối với nước này. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bác bỏ khả năng tuân thủ các biện pháp trừng phạt Iran của Mỹ và khẳng định nước ông chỉ thực thi các thỏa thuận quốc tế.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng nói rõ Tehran là một đối tác thương mại quan trọng giúp thúc đẩy nền kinh tế nước này. Mặt khác, trong 6 tháng đầu năm nay, Ankara đã nhập khẩu trung bình 176.000 thùng dầu/ngày từ Tehran.
Một số chuyên gia nhận định khó có khả năng Thổ Nhĩ Kỳ chịu tuân theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ. "Rõ ràng là nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang trong thời điểm khó khăn. Việc từ bỏ quan hệ thương mại với Iran và không mua dầu khí của nước này sẽ làm tổn hại họ. Đó là một vấn đề lớn nhưng lại có ít thời gian để giải quyết và xảy ra vào thời điểm cả hai bên (Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ) không tin tưởng nhau" - ông Soli Ozel, chuyên gia quan hệ quốc tế thuộc Trường ĐH Kadir Has (Thổ Nhĩ Kỳ), giải thích với đài VOA.
Bình luận (0)