Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Afghanistan Nicholas Haysom xác nhận một số báo cáo gần đây cho thấy nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã xuất hiện ở nước này. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã bày tỏ lo ngại khi một nhóm chỉ huy Taliban tuyên bố trung thành với IS và mong được nhóm cực đoan này tài trợ hoặc hợp tác.
Mối đe dọa khủng khiếp
Phó Đại sứ Nga tại LHQ Vladimir Safronkov cũng tuyên bố Moscow quan ngại về mối đe dọa khủng bố và sự mở rộng hoạt động của IS ở Afghanistan. Kêu gọi Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ hành động để chặn đứng sự bành trướng của IS, ông Safronkov nhấn mạnh các phần tử quá khích ở miền Bắc Afghanistan - xưa nay vốn yên tĩnh - đang tích cực tuyên truyền, tuyển mộ và thành lập căn cứ. “Nơi đây bị biến thành chỗ trú ẩn an toàn nữa cho các phần tử IS cực đoan là điều không thể chấp nhận” - ông nói.
Khi các lực lượng tác chiến Mỹ rút khỏi Afghanistan sau hơn 13 năm chinh chiến, để lại một chính phủ yếu kém và một khoảng trống lực lượng, một số giới chức Mỹ đã tỏ ra lo lắng về nguy cơ tiềm tàng của IS ở nước này. Đại tá J. B. Vowell tiết lộ với đài CNN rằng phiến quân IS đang ra sức tuyển mộ các phần tử Taliban bị đánh tan tác ở một số khu vực miền Đông và miền Nam Afghanistan.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã thúc giục Mỹ giảm tiến độ rút quân ra khỏi nước này, đồng thời bày tỏ sự e ngại về vấn đề an ninh và IS tại đây. Theo đài CNN, ông Ghani gọi sự trỗi dậy của IS là một mối đe dọa khủng khiếp.
Thêm vào đó, Reuters đưa tin bộ tộc Hazara theo dòng Shiite ở tỉnh Ghazni - Afghanistan đã phải nhờ cậy các thủ lĩnh Taliban địa phương bảo vệ vì quá sợ hãi IS. Bộ tộc Hazara lo ngại ảnh hưởng của IS - vốn có tư tưởng chống lại người Shiite kịch liệt - có thể khiến cuộc xung đột giáo phái trở thành một cuộc chiến tranh. IS không nắm quyền kiểm soát vùng lãnh thổ nào ở Afghanistan, cũng như không có sự liên kết rõ ràng với các phần tử nổi dậy địa phương nhưng thông tin về hoạt động của nhóm cực đoan này ngày càng gia tăng kể từ mùa hè năm 2014.
Từ đó đến nay, vẫn có tin phiến quân IS giao tranh với Taliban ở Kandahar - cái nôi của phong trào nổi dậy Taliban. Tổ chức Khủng bố quốc tế (ICG) ở Kabul trích dẫn nhiều báo cáo đáng tin cậy quả quyết rằng các nhóm nhỏ phiến quân IS đang hoạt động ở 6 tỉnh Afghanistan, trong khi có tin đồn hàng chục tay súng IS hoạt động tại nhiều địa phương khác. “Điều đơn giản là IS đã có mặt, chúng thực sự đang tồn tại ở Afghanistan” - người phát ngôn của Tổng thống Ghani, ông Ajmal Abidy, lo lắng.
Có thể đơn cử vài chứng cứ cho thấy IS đã hoạt động ở Afghanistan: 30 người thuộc bộ tộc Hazara bị bắt cóc khi đang đi xe buýt ở tỉnh Zabul, miền Nam nước này, hồi tháng 2-2015 hay 13 thường dân tử vong khi 3 chiếc xe di chuyển ở Wardak, miền Trung Afghanistan, bị tấn công… Taliban đã phủ nhận trách nhiệm về các vụ này. Theo Cảnh sát trưởng Wardak, ông Khalil Andrabi, vụ tấn công xe buýt tương tự những hành động của IS ở Syria và Iraq.
Cờ đen thay cờ trắng
HĐBA đã tán thành việc mở rộng sứ mệnh của phái bộ LHQ ở Afghanistan cho đến ngày 17-3-2016. Nghị quyết được HĐBA thông qua kêu gọi chính phủ Afghanistan, với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, tiếp tục giải quyết mối đe dọa từ Taliban, al-Qaeda, các nhóm quá khích khác và bọn buôn lậu ma túy nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến IS. Tuy nhiên, hãng tin AP nhắc nhở mọi người cần nhớ rằng IS chính là “con cháu” của al-Qaeda.
Trong khi đó, theo báo Anh The Independent, lá cờ đen của IS đã thay thế cờ trắng của Taliban tại nhiều khu vực, trong đó có tỉnh Helmand ở miền Nam Afghanistan, nơi các lực lượng NATO chiến đấu suốt 8 năm trời. Hiện IS đã có mặt tại các ngôi làng quanh thị trấn Sangin thuộc tỉnh Helmand, vốn được xem là căn cứ địa của Taliban. “IS đã đến đây, công khai thách thức Taliban” - ông Saifullah Sanginwal, một thủ lĩnh bộ tộc địa phương, xác nhận.
Đáng ngại hơn, cựu phát ngôn Taliban Shahidullah Shahid gần đây đã tung ra đoạn băng video cho thấy các chiến binh ở Afghanistan và Pakistan thề trung thành với Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh IS. “Chúng tôi đã tiếp xúc với IS thông qua một người bạn ở Helmand. Anh ta nói rằng IS đã đến Afghanistan và kêu gọi chúng tôi hãy gia nhập. Thế là chúng tôi gia nhập và thề trung thành với họ” - một người kể lại.
Báo Global Post cho rằng mối nguy IS đang ngày càng hiển hiện ở Afghanistan. Cựu chỉ huy Taliban Ibrahim Khorotai, 37 tuổi, cho biết ông ta và một nhóm tay súng đã hứa trung thành với thủ lĩnh IS al-Baghdadi. “Tôi và nhiều thành viên Taliban lâu nay vẫn mong đợi một vương quốc Hồi giáo nổi lên. Với Daesh (tức IS ở Afghanistan), người Hồi giáo giờ đã có một chính phủ thực sự” - ông ta nói. Khorotai xuất thân từ Charkh thuộc Logar, một tỉnh nhỏ ở miền Đông Afghanistan, chỉ cách Kabul chưa đầy 80 km.
Trong bối cảnh đó, Tướng Afghanistan Ali Murad đã công nhận mối đe dọa từ IS với nước này. “Các phần tử IS, những gã đàn ông bịt mặt, đang hoạt động tích cực và đã giương lên những lá cờ đen ở tỉnh Zabul - một thành trì khác của Taliban - và Helmand. Chúng đang cố tràn sang miền Bắc Afghanistan” - ông lo ngại.
Tướng Mỹ John Campbell, Tư lệnh các lực lượng NATO ở Afghanistan, cũng thừa nhận: “Taliban đang tan rã và tuyên thệ trung thành với IS. Đó là mối lo ngại của Tổng thống Ghani và bản thân tôi”. Thế nhưng, đến nay, Mỹ vẫn chưa vạch ra kế hoạch cụ thể để đối phó với mối đe dọa có thực này. Tạp chí Time nhận định: Nếu Washington nhận thấy IS là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ, quân đội họ sẽ thực hiện những cuộc tấn công không dứt nhằm vào lực lượng quá khích này.
Trong khi đó, ông Viktor Ivanov, người đứng đầu Cơ quan Kiểm soát Ma túy Liên bang Nga, cho biết: “IS kiếm được 1 tỉ USD/năm từ việc buôn heroin ở Afghanistan”. Mối nguy này sẽ càng gia tăng khi IS chiếm đóng thêm nhiều vùng lãnh thổ.
3.000 người Afghanistan theo IS
Thủ lĩnh IS al-Baghdadi, tự nhận là “vua Ibrahim”, đã tuyên bố: “Chúng ta hy vọng sẽ chứng kiến việc thi hành luật của vương quốc Hồi giáo trong xã hội Afghanistan. Hàng trăm người Afghanistan có học thức và dũng cảm đang ủng hộ IS tại các thành thị và làng mạc nước này”.
Abu Bakr al-Baghdadi đoan chắc rằng danh sách những người ủng hộ IS ngày càng dài ra, đồng thời quả quyết có gần 3.000 người đi theo IS trên khắp Afghanistan.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-4
Bình luận (0)