Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Iraqiya, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho biết mất Mosul đồng nghĩa với việc quân chính phủ mất rất nhiều khí tài quân sự vào tay IS, bao gồm 2.300 xe Humvee của Mỹ cung cấp cho Baghdad. Phiến quân Hồi giáo sau đó dùng chiến lợi phẩm để trang bị cho các chiến binh của nhóm đang chiến đấu ở cả Iraq và Syria.
IS kiểm soát Mosul hồi tháng 6-2014. Số lượng vũ khí hạng nặng bị bỏ lại chưa được thống kê đầy đủ nhưng trong một thập kỷ qua, Mỹ bán hàng nghìn xe quân sự, trong đó có Humvee, ngoài xe tăng và thiết bị quân sự khác, cho chính quyền Baghdad.
Tháng 12 năm ngoái, Mỹ phê duyệt hợp đồng bán vũ khí mới cho quân đội Iraq trị giá 12,4 tỉ USD, trong đó có 175 xe tăng hạng nặng M1A1 Abrams và một hợp đồng khác gồm 1.000 xe Humvee được trang bị súng máy cỡ nòng M2.50 cùng súng phóng lựu 40 mm MK-19.
Chỉ trong tháng này, Lầu Năm Góc ước tính có ít nhất 6 chiếc xe tăng, 100 xe Humvee và nhiều khẩu pháo bị quân đội Iraq để lại sau khi IS chiếm được TP Ramadi.
Trong khi đó, bên lề Đối thoại Shangri-La 2015 tổ chức tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rao Inderjit Singh hôm 31-5 bày tỏ lo ngại việc IS có thể sở hữu vũ khí hạt nhân từ các quốc gia như Pakistan. “Với sự bành trướng ở khu vực Tây Á, IS có thể đã tiếp cận được một kho vũ khí hạt nhân từ các nước như Pakistan” – hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Singh phát biểu tại sự kiện.
Trước đó, IS đánh tiếng nhóm này đang tìm cách mua vũ khí hạt nhân trong vòng 1 năm và đối tác có thể là Pakistan. Theo một bài viết trên tạp chí tuyên truyền Dabiq của IS, nhóm này được cho là có hàng tỉ USD trong ngân hàng và họ đang tìm cách thông qua các đại lý vũ khí có liên hệ với một số quan chức tham nhũng tại khu vực để mua vũ khí hạt nhân.
Chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan bắt đầu những năm 1970 để đối chọi với sự phát triển và thử nghiệm các thiết bị hạt nhân của láng giềng Ấn Độ. Abdul Qadeer Khan, một nhà khoa học của Pakistan - người giúp phát triển bom hạt nhân của quốc gia này –thú nhận năm 2004 rằng mạng lưới của ông đã bán bí mật hạt nhân cho các nước như Triều Tiên và Iran trên thị trường chợ đen.
Tuy nhiên, các nhà phân tích không đánh giá cao khả năng Pakistan bán vũ khí hạt nhân cho IS, bởi cả Pakistan lẫn Ấn Độ đều xếp hạng kém trên bảng đánh giá an ninh hạt nhân. Theo chỉ số an ninh vật liệu hạt nhân của Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân (NTI), trong số 25 quốc gia được xếp hạng thì Pakistan đứng thứ 22 và Ấn Độ là 23, thuộc nhóm chót bảng.
Bình luận (0)