Những ngày vừa qua, chiến sự khốc liệt dồn vào thị trấn Kobane ở biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ, nơi phiến quân IS đối đầu với lực lượng dân quân người Kurd, trong khi ít người chú ý tới bước tiến của Nhà nước Hồi giáo tại tỉnh Anbar của Iraq.
Một vài tuần trở lại đây, IS dần kiểm soát các thị trấn và làng mạc ở khu vực phía Tây chiến lược bảo vệ thủ đô Baghdad này, bao vây các căn cứ quân sự và đồn cảnh sát trong khu vực, song song với các cuộc tấn công vào quân đội Iraq ở thủ phủ Ramadi của tỉnh.
Hồi tháng 1, IS chiếm giữ TP Fallujah và một phần TP Ramadi của Anbar, sau đó đẩy mạnh tấn công vào sâu trong địa bàn tỉnh hồi tháng 6. Tuy nhiên, quân chính phủ vẫn cầm cự nhưng gánh chịu thiệt hại đáng kể, bao gồm 2 máy bay quân sự bị phá hủy.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hussein Amir Abdollahian hôm 9-10 cho biết nước này đang thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thuyết phục Ankara ngăn cản bước tiến của IS K tại Kobane, thị trấn then chốt ở vùng biên giới Syria.
Mỹ và liên minh tiến hành không kích IS tại khu vực đập Haditha nhưng cũng không làm ngăn được bước tiến của tổ chức này. Các cuộc không kích nhìn chung không mang lại kết quả như mong đợi.
Chuyên gia an ninh Saeed al-Jayashi của Iraq cho biết: “Nếu IS chiếm được Anbar, chúng sẽ đe dọa nghiêm trọng thủ đô Baghdad. Chính phủ sẽ mất đập Haditha và quân đội phải rút lui. Một cuộc tắm máu sẽ xảy ra”.
Ngoài con đập quan trọng nhất Iraq, IS còn thu được chiến lợi phẩm là hàng loạt kho vũ khí của quân chính phủ để lại nếu chiếm được Anbar, khai thông tuyến đường vận chuyển từ Syria tới Baghdad.
Theo số liệu của Bộ chỉ huy Trung ương Mỹ, Washington đã sử dụng máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công hơn 40 mục tiêu của IS tại Anbar kể từ tháng 8.
Anbar, tỉnh lớn nhất Iraq, trở thành tâm điểm cuộc nổi dậy của người Sunni chống lại lực lượng quân sự Mỹ sau cuộc nổi dậy vào năm 2003. Đến năm 2006, nhiều nhóm người Sunni tại khu vực này quyết định hỗ trợ Baghdad chống lại phong trào khủng bố khét tiếng al-Qaeda nhưng sau đó tan rã.
Thời gian gần đây, chính sách tôn giáo của cựu Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki, một người theo dòng Shiite, khiến các bộ lạc người Sunni bị xa lánh. Nhà nước Hồi giáo, một nhánh của al-Qaeda lợi dụng sự bất mãn của người Sunni kêu gọi họ đứng lên chống lại chính phủ, tham vọng lập nên Vương quốc Hồi giáo.
Bình luận (0)