Quân đội Ai Cập hôm 4-8 thông báo đã tiêu diệt được thủ lĩnh Abu Duaa al-Ansari của chi nhánh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở bán đảo Sinai cùng với ít nhất 45 thuộc hạ.
Kết cục khó tránh
Thiếu tướng Mohammed Samir, phát ngôn viên quân đội Ai Cập, cho biết thêm một loạt vụ không kích nhắm vào sào huyệt của phiến quân gần thị trấn El-Arish cũng phá hủy một số kho vũ khí của chúng. Tuy nhiên, thời điểm diễn ra không kích không được tiết lộ. Bắt đầu hoạt động tại Sinai kể từ năm 2011, nhóm khủng bố trên đã thực hiện ít nhất 31 vụ tấn công ở nhiều khu vực chỉ trong vòng 2 tuần hồi tháng 3-2016. Đây cũng là nhóm đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công máy bay Nga ở Sinai hồi tháng 10-2015 khiến 224 người thiệt mạng.
Tổn thất trên tiếp tục là đòn mới giáng mạnh vào IS giữa lúc nhóm này đang mất dần lãnh thổ ở Iraq và Syria. Tại cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia bàn về cuộc chiến chống IS ở Lầu Năm Góc hôm 4-8, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định tổ chức khủng bố này đang suy yếu và mất 40% phần lãnh thổ kiểm soát ở Iraq và Syria. Ông khẳng định kết cục khó tránh của IS là bị đánh bại, thất thủ ở cả TP Raqqa và TP Mosul, lần lượt là thành trì của chúng ở Syria và Iraq. “IS không có một trận thắng lớn nào ở Syria hoặc Iraq trong suốt cả 1 năm qua… IS không thể đánh thắng Mỹ hoặc các đồng minh NATO” - ông Obama quả quyết.
Đánh giá trên được đưa ra giữa lúc chiến dịch ném bom của Mỹ nhắm vào các mục tiêu IS ở Libya bước sang ngày thứ ba hôm 4-8. Hồi đầu tuần, máy bay Mỹ đã tiêu diệt một số xe tăng, xe quân sự và trang thiết bị di chuyển trên mặt đất trong chiến dịch được tiến hành theo đề nghị của chính phủ đoàn kết dân tộc được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn. Trước đó, đại tá Chris Garver cho biết phân nửa lãnh thổ TP Manbij - Syria đã được tái chiếm từ tay IS sau khi máy bay Mỹ và các đồng minh thực hiện hơn 600 vụ không kích.
Ngoài chiến dịch không kích, Washington còn hỗ trợ các lực lượng địa phương tại Syria trong cuộc chiến chống IS. Dù vậy, nỗ lực này của Washington đối mặt một thách thức khác: Sự can dự quân sự của Nga khiến cục diện Syria trở nên phức tạp hơn. Tổng thống Obama hôm 4-8 tuyên bố Mỹ sẵn sàng hợp tác với Nga ở Syria nhưng lại không mấy tin tưởng vào việc Moscow có thể giúp chấm dứt bạo lực ở nước này. “Hoặc là họ không muốn thế, hoặc là họ không có đủ ảnh hưởng đối với ông Assad (Tổng thống Syria)” - ông Obama nhận định.
Từ trái qua: Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ash Carter tại cuộc họp hôm 4-8. Ảnh: AP
Lạc quan thận trọng
Mặt khác, Tổng thống Obama cảnh báo IS vẫn gây ra mối đe dọa nhất định. Theo ông, những tổn thất nặng nề thời gian qua khiến bọn này điên cuồng tấn công trả đũa bên ngoài những lãnh thổ đang chiếm giữ, trong đó có việc xoay sang tấn công du khách ở các thành phố khắp thế giới. Đài NBC News vừa đăng tải một bản đồ mật của Nhà Trắng, theo đó cho thấy IS đang hoạt động tại 18 quốc gia, tăng hơn gấp đôi so với năm 2014.
Đáng chú ý, ông Obama cảnh báo nguy cơ xảy ra những vụ tàn sát của “sói đơn độc” hoặc nhóm nhỏ, đồng thời đánh giá các mạng lưới khủng bố như thế có thể đã có mặt ở Mỹ. Một báo cáo mới của Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết IS có liên quan đến khoảng 100 âm mưu khủng bố nhằm vào phương Tây trong 2 năm qua. Trong số này, có 41 âm mưu được hoạch định trên lãnh thổ Mỹ, sau đó là 20 âm mưu ở Pháp. Điều trùng hợp là âm mưu thứ 1 (tháng 2-2014) và âm mưu thứ 100 (ngày 14-7-2016) đều nhắm vào TP Nice, miền Nam nước Pháp. Âm mưu đầu tiên không thành nhưng vụ sau khiến ít nhất 85 người thiệt mạng.
Đáng báo động, 44% âm mưu khủng bố trong năm 2016 được tiến hành thành công, trong khi năm ngoái chỉ 33%. Điều này chứng tỏ IS lên kế hoạch tấn công ngày càng hiệu quả. Hơn nữa, theo báo cáo, các vụ tấn công của IS cũng đẫm máu hơn. Tính từ đầu năm 2016 đến giờ, ít nhất 875 người thiệt mạng hoặc bị thương trong các vụ khủng bố, so với con số 720 thương vong của cả năm 2015.
Âm mưu tấn công Singapore
Singapore đang tăng cường các biện pháp an ninh và làm việc chặt chẽ với Indonesia sau vụ bắt giữ 6 kẻ tình nghi âm mưu bắn rốc-két từ đảo Batam của Indonesia vào vịnh Marina của Singapore.
6 nghi phạm, từ 19 đến 46 tuổi, được cho là thành viên nhóm khủng bố KGR@Katibah GR, bị bắt cùng nhiều vũ khí trên đảo Batam hôm 5-8. Theo kênh Channel NewsAsia (Singapore), kẻ cầm đầu nhóm này là Gigih Rahmat Dewa, 31 tuổi. Một số nguồn tin cho biết âm mưu bắn rốc-két được lên kế hoạch với sự giúp đỡ của Bahrun Naim - tên khủng bố người Indonesia đang chiến đấu cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và bị cho là một trong những kẻ chủ mưu vụ tấn công ở trung tâm thủ đô Jakarta - Indonesia hồi tháng 1-2016 khiến 8 người thiệt mạng, bao gồm 4 kẻ tấn công.
Hôm 4-8, ông Ahmad El-Muhammady, cố vấn của Cảnh sát Hoàng gia Malaysia, cảnh báo IS đang tăng cường hiện diện ở Đông Nam Á để củng cố tinh thần cũng như bù đắp những tổn thất lãnh thổ ở Iraq và Syria. Theo ông Ahmad, Đông Nam Á là “vòng xung đột thứ ba” sau vòng thứ hai - tức các nước láng giềng của Iraq và Syria.
Bản thân IS không giấu giếm ý đồ nhằm vào Đông Nam Á khi công bố nhiều video kêu gọi tấn công Malaysia và Philippines gần đây. Một hộp đêm ở thủ đô Kuala Lumpur bị ném lựu đạn vào tháng 6, làm 8 người bị thương. Đây được cho là vụ khủng bố thành công đầu tiên của IS ở Malaysia. Nhóm khủng bố này còn cho ra mắt tờ báo tiếng Malaysia trong tháng lễ Ramadan vừa qua.
Công ty tình báo an ninh Soufan Group (Mỹ) ước tính có 700 người Indonesia và 100 người Malaysia đang chiến đấu trong hàng ngũ IS ở Trung Đông. Ông Ahmad cho rằng những tay súng trở về nước nguy hiểm hơn nhiều so với những kẻ đi theo IS ở nước ngoài. “Khi trở về, chúng sẽ mang theo tư tưởng, kinh nghiệm chiến đấu và muốn thực hành chúng ở đây” - ông Ahmad nhấn mạnh.
Xuân Mai
Bình luận (0)