Theo lời ông Rami Abdel Rahman từ Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR), những vụ nổ tưởng như động đất này là do Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang bốc nổ các trạm bơm khí đốt. Hiện chưa rõ thương vong trong các vụ nổ này.
Vụ việc xảy ra ở khu vực khí đốt Shaer – một trong những trung tâm lớn nhất ở tỉnh Homs - vốn là khu vực diễn ra giao tranh dữ dội giữ các tay súng IS và quân đội của chính phủ Syria trong những ngày qua.
Ông Abdel Rahman nói rằng IS được tin là đã kích nổ một số trạm bơm khí đốt của Shaer. Những vụ nổ thậm chí còn làm rung chuyển cả thành phố cổ Palmyra, cách Shaer 50km về phía đông nam.
IS chiếm Shaer hồi tuần trước, song lực lượng chính phủ Syria và các lực lượng nổi dậy đã chiến đấu rất quyết liệt hòng chiếm lại.
Hãng thông tấn Syria SANA cho biết đêm 16-5, quân đội chính phủ đã chiếm khu vực đỉnh núi phía tây của trung tâm khí đốt Shaer.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc cho biết tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiếp tục mất quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ quan trọng ở Iraq và Syria.
Theo ước tính của Bộ Quốc phòng Mỹ trước ngày 16-5, IS mất khoảng 40% lãnh thổ tại Iraq và 10% ở Syria kể từ năm 2011 trở lại đây.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook cho hay các cuộc không kích do liên quân Mỹ thực hiện đã tái kiểm soát thêm 5% vùng đất từ IS. Như vậy, tổ chức thánh chiến này đã mất tổng cộng 45% lãnh thổ ở Iraq vào tay quân chính phủ.
Hiện IS đang kiểm soát 2 TP Mosul và Fallujah, để mất 2 TP Ramadi và Heet.
Trong khi đó, IS cũng bị tấn công quyết liệt ở Syria, buộc phải rút lui khỏi 16-20% khu vực trọng yếu, bao gồm thành phố cổ Palmyra.
Ngoài liên quân Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng mở chiến dịch trên bộ nhắm vào mục tiêu IS ở Syria. Riêng ngày 16-5, Ankara thông báo ít nhất 20 tay súng IS đã thiệt mạng sau khi chuẩn bị nã rốc-két về phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Bắt đầu từ tháng 1-2016, thị trấn Kilis, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu hơn 70 quả rốc-két, giết chết 21 người trong đó có trẻ em. Chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan sau đó tích cực đáp trả, khiến sức ép lên IS ngày càng nặng nề. Nhóm này đang đứng trước nguy cơ mất luôn TP Aleppo nếu lực lượng liên quân giữ nguyên đà chiến thắng như hiện tại.
Ngay cả Libya cũng vừa tiết lộ sẽ tham gia mặt trận chống IS. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 16-5 tuyên bố các cường quốc thế giới, trong đó có Mỹ, đã đồng ý trang bị cho quân đội Libya để tiêu diệt IS.
Theo ông Kerry, một nhóm 25 quốc gia sẽ nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc trước đó áp đặt lên Libya nhằm ngăn chặn các cuộc xung đột ở quốc gia này. Cùng với Ngoại trưởng Ý Paolo Gentiloni, ông Kerry khẳng định sẽ không triển khai một lực lượng quân sự quốc tế ở Libya với mục đích hỗ trợ chính phủ mới.
Thay vào đó, Thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj đã đến Vienna – Áo để yêu cầu chi viện trang thiết bị và khóa đào tạo từ cộng đồng quốc tế. IS đang kiểm soát một khu vực rộng lớn xung quanh TP Sirte của Libya, thường xuyên khởi động các cuộc tấn công bên ngoài.
Libya rơi vào hỗn loạn sau cuộc nổi dậy được NATO hậu thuẫn năm 2011, giết chết nhà độc tài lâu năm Muammar al-Gaddafi. Năm ngoái, IS chiếm thành phố ven biển Sirte – quê hương của Gaddafi và biến nó thành một trại huấn luyện phần tử thánh chiến.
Bình luận (0)