Làm mới sự ủng hộ của Mỹ đối với nhiệm vụ gai góc của nhiều thế hệ, Tổng thống Barack Obama quả quyết với Israel hôm 20-3 rằng chính quyền của ông sẽ theo đuổi một nền hòa bình Trung Đông cho phép cư dân của nhà nước Do Thái sống trong hòa bình trước mối đe dọa khủng bố.
“Trong nhiệm vụ này, Israel sẽ không có người bạn nào lớn hơn Mỹ” - ông Obama tuyên bố sau cuộc gặp với Tổng thống Shimon Peres trong chuyến thăm đầu tiên của ông đến Israel với tư cách tổng thống. Đáp lại, tổng thống Israel hoan nghênh thông điệp rõ ràng của ông Obama, với nội hàm không để cho thái độ hoài nghi phủ lấy thời cuộc và sự xác tín rằng hòa bình không chỉ là một ước mơ mà còn là một khả năng.
Tại một buổi lễ chào đón rộn ràng ngay sau khi đáp máy bay xuống sân bay quốc tế Ben Gurion ở thủ đô Tel Aviv, ông Obama tiên lượng “hòa bình phải đến với vùng Đất Thánh” và mục tiêu đó sẽ đạt được bằng mồ hôi, nước mắt của người Israel. Ông tái xác nhận sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel là bất biến trong bối cảnh Trung Đông gây chấn động bởi Mùa xuân Ả Rập và Iran vẫn tiếp tục thực hiện chương trình hạt nhân. “Mỹ tự hào đứng bên cạnh các bạn như một đồng minh mạnh nhất và người bạn lớn nhất” - ông Obama khẳng định.
“Những ngọn gió của sự thay đổi mang cả hứa hẹn và nguy hiểm đến khắp khu vực” - Tổng thống Obama nói thêm và gọi chuyến thăm của mình là một cơ hội để tái xác nhận “những mối ràng buộc không thể phá vỡ giữa hai nước chúng ta”, để nhắc lại lời cam kết vững chắc đối với an ninh của Israel và để nói chuyện trực tiếp với nhân dân Israel cùng những láng giềng của họ.
Cố thay đổi não trạng của nhiều người Israel rằng chính phủ của ông nhận được ít sự ủng hộ của Israel hơn các chính phủ tiền nhiệm, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố liên minh Mỹ - Israel là “bất diệt”. Thậm chí, trước khi rời sân bay đi Jerusalem, ông Obama đã có một biểu lộ sinh động thể hiện cam kết của Mỹ đối với an ninh Israel bằng cách đến thăm một đơn vị tên lửa thuộc hệ thống phòng thủ Vòm Sắt mà Mỹ đã đầu tư vào đây hàng trăm triệu USD.
Benjamin Netanyahu, người thường xuyên đấu khẩu với Barack Obama về đường lối của ông trong nhiệm kỳ thứ nhất, lần này tỏ ra hào phóng lời khen dành cho tổng thống Mỹ. “Cảm ơn ngài đã đứng bên cạnh Israel vào thời điểm biến động ở Trung Đông. Cảm ơn ngài về sự xác nhận quyền tối cao của Israel là bảo vệ chính mình trước bất cứ mối đe dọa nào” - ông Netanyahu cảm kích. Mặc dù ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân là ưu tiên số một của cả Israel và Mỹ, 2 ông Netanyahu và Obama vẫn có sự khác biệt trong quá khứ về cách thức cụ thể để đạt tới điều đó.
Làm thay đổi nhận thức Trong chuyến hành trình mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực chất, tâm điểm của Tổng thống Obama là một Israel đang từng giờ thận trọng với những diễn biến ở Iran và Syria. Mặc dù các giới chức Mỹ không hy vọng nhiều vào chuyến công du cũng như những tuyên bố về chính sách quan trọng, thước đo rõ ràng cho thành công của chuyến thăm Israel nằm ở chỗ ông Obama có khả năng đảo ngược được nhận thức tiêu cực về Mỹ đến đâu. |
Bình luận (0)