Dù Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phủ nhận hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 đến Syria như tuyên bố của Tổng thống Bashar al-Assad nhưng các nước phương Tây, nhất là Israel, vẫn đứng ngồi không yên. Đặc biệt là gần đây, đài CNN dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho hay rất có thể các bộ phận của S-300 có mặt trên 3 chiếc tàu chiến Nga đang trên đường đến Syria.
Bệ phóng lưu động giúp tăng tính chiến đấu của S-300
Ảnh: REGNUM
Nếu S-300 thật sự đến Syria, lực lượng vũ trang Israel sẽ đương đầu như thế nào? Đặt giả thiết sẽ có 2 - 3 tiểu đoàn S-300, mỗi tiểu đoàn gồm 8-12 bệ phóng, radar thám sát mục tiêu và dẫn đường, hệ thống chỉ huy, trong đó có radar phát hiện vị trí điều hành chiến đấu. Tổ hợp bảo đảm bắn cùng lúc 6 mục tiêu với 2 tên lửa “chăm sóc” 1 mục tiêu.
Với tầm bắn tiêu diệt mục tiêu tối đa là 200 km, tầm xa phát hiện 300 km, S-300 còn có thể tiêu diệt tên lửa chiến thuật và tên lửa đạn đạo tầm trung. Không chỉ vậy, hệ thống radar 30N6E2 xuất khẩu theo S-300 có thể phát hiện cùng lúc 72 mục tiêu và bắn hạ đồng thời 32 mục tiêu ở tầm xa 200 km.
Để đối phó với đối thủ này, Israel có thể sử dụng các máy bay cường kích. Israel hiện có gần 300 chiếc loại này, trong đó 100 chiếc F-16I và 25 chiếc F-15E, được trang bị tên lửa chống radar AGM - 88 Harm của Mỹ với tầm bắn đến 106 km. Tuy nhiên, S-300 có tầm bắn đến 200 km nên máy bay Israel không những không thể tấn công mà ngược lại còn trở thành con mồi của đối phương.
Tất nhiên, để đè bẹp S-300 đặt tại Syria, Israel có thể không kích ồ ạt bằng nhiều máy bay. Song, trong trường hợp đó, chính Israel cũng phải chịu tổn thất lớn.
Cũng cần nhắc lại là từ năm 2006, Syria đã mua của Nga 36 tổ hợp pháo tên lửa phòng không Pansir-S1 có bán kính hoạt động nhỏ hơn S-300 nhưng vẫn tiêu diệt được tên lửa chống radar. Kết hợp 2 tổ hợp tên lửa phòng không trên sẽ gây sức ép lớn hơn cho không quân Israel. Ngay cả khi Israel huy động tổ hợp tên lửa chiến thuật tự sản xuất LORA - có độ chính xác cao trong khoảng cách 250 km - cũng khó lòng tiêu diệt được S-300 và Pansir-S1 do bộ đôi này có tính linh hoạt cao.
Israel còn nhức đầu hơn khi biết Syria có thể tiêu diệt các máy bay của mình ngay khi nó cất cánh từ các sân bay vì tầm bắn của S-300 cho phép kiểm soát 40%-50% không phận Israel và vươn tới cả không phận của các nước láng giềng.
Tình cảnh của Israel quả là không mấy vui vẻ. Lần đầu tiên sau một thời gian dài, họ phải đối mặt với một vấn đề nan giải trong cuộc chiến kiểm soát bầu trời. Chẳng trách vừa nghe phong thanh S-300 sẽ đến Syria, Tel Aviv đã bóng gió dọa ném bom các đoàn tàu chuyển hàng của Nga!
Bình luận (0)