Thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ 21 giờ ngày 21-11 (giờ địa phương, tức 2 giờ ngày 22-11 giờ Việt Nam). Thế nhưng, cả Israel lẫn Hamas đều không hề rút lại lời đe dọa tiếp tục cuộc xung đột và cả hai đều tuyên bố họ đồng ý ngừng bắn chỉ vì bị sức ép của quốc tế.
Báo The New York Times (Mỹ) nhận định thỏa thuận ngừng bắn sẽ là cuộc kiểm tra về mức độ ảnh hưởng của tân chính phủ Hồi giáo ở Ai Cập đối với cuộc xung đột khó giải quyết nhất Trung Đông này. Mỹ, Israel và Hamas đều khen ngợi vai trò của Ai Cập trong việc làm trung gian một thỏa thuận ngừng bắn cho cuộc xung đột đã làm chết hơn 160 người Palestine và 5 người Israel.
Tuy nhiên, đài phát thanh Israel đưa tin trong vòng vài giờ đầu tiên sau khi hai bên đạt thỏa thuận ngừng bắn, hàng chục quả rốc két đã bắn từ Gaza sang lãnh thổ Israel nhưng phía Israel không đáp trả. Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết họ đã đạt được các mục tiêu của mình, còn lữ đoàn Al Qassam ở Gaza cho rằng các lực lượng Israel đã “treo cờ trắng”.
Người dân Gaza đổ ra đường ăn mừng chiến thắng. Các tay súng bắn chỉ thiên, đồng thời la to: “Thượng đế vĩ đại”. Nhiều người ôm hôn nhau mừng rỡ trong khi những người khác chia nhau kẹo và phất cờ Hamas.
Còn ở Israel, phản ứng của công chúng khác hẳn. Nhiều cư dân ở miền Nam Israel tỏ ra nghi ngờ thỏa thuận ngừng bắn khó có thể giữ vững. Dư luận hoàn toàn có cơ sở để đặt nghi vấn về tính bền lâu của thỏa thuận trên. Tại một cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng một số người dân Israel vẫn còn lo ngại về nguy cơ diễn ra một chiến dịch tàn khốc hơn nhiều. Ông khẳng định: “Rất có khả năng chúng tôi sẽ buộc phải bắt tay vào một chiến dịch như vậy”.
Bên cạnh đó, các lực lượng an ninh Israel ngày 22-11 cho biết đã bắt giữ 55 phần tử nổi dậy Palestine ở Bờ Tây. Họ thừa nhận việc bắt giữ này nhằm duy trì trật tự và ngăn ngừa bọn khủng bố thâm nhập các cộng đồng người Israel.
Bình luận (0)