Thủ đô Jakarta - Indonesia hôm 2-12 chứng kiến cuộc biểu tình lớn thứ hai trong vòng 1 tháng qua giữa lúc căng thẳng leo thang liên quan đến cáo buộc Thống đốc Basuki “Ahok” Tjahaja Purnama của địa phương này báng bổ đạo Hồi.
Chính quyền thở phào
Cuộc tuần hành thu hút ít nhất 200.000 người Hồi giáo và khép lại trong yên bình. Nhà chức trách và các lãnh đạo tôn giáo trước đó đồng ý cuộc biểu tình chỉ diễn ra tại công viên bao quanh Đài Tưởng niệm quốc gia và kết thúc vào chiều tối để giảm thiểu tác động cũng như ngăn chặn nguy cơ nổ ra bạo lực. Đáng chú ý, Tổng thống Joko Widodo, một đồng minh chính trị của ông Ahok, đã tham dự buổi cầu nguyện của người biểu tình và kêu gọi họ rời đi trong hòa bình.
Khoảng 22.000 cảnh sát và 5.000 binh sĩ được huy động để bảo đảm an ninh, trật tự cho cuộc biểu tình mới nhất. Sự cảnh giác này là cần thiết bởi cuộc biểu tình hôm 4-11 dù chỉ thu hút khoảng 100.000 người nhưng bạo lực đã bùng phát khi đêm xuống, khiến 1 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Ông Widodo khi đó không có mặt ở Jakarta, dẫn đến phản ứng giận dữ của những người theo đường lối cứng rắn. Trong những ngày gần đây, tổng thống Indonesia đã gặp các lãnh đạo Hồi giáo và chính trị để xoa dịu căng thẳng.
Ông Ahok, một người gốc Hoa theo đạo Cơ đốc giáo, đang đối mặt cáo buộc xúc phạm đạo Hồi trong vụ tranh cãi bùng phát vào tháng 9. Khi đó, ông cáo buộc các đối thủ sử dụng một đoạn thơ trong kinh Koran để thuyết phục cử tri không bỏ phiếu cho mình trong cuộc bầu cử thống đốc sắp tới, dự kiến diễn ra vào tháng 2-2017. Ông này sau đó đã lên tiếng xin lỗi và cho biết mình chỉ muốn công kích đối thủ chính trị, không phải kinh Koran. Dù vậy, làn sóng phản đối ông vẫn lan rộng.
Thách thức không nhỏ
Phát biểu trước đám đông người biểu tình hôm 2-12, Tướng Tito Karnavian, chỉ huy Lực lượng Cảnh sát quốc gia, kêu gọi họ ủng hộ tiến trình pháp lý đối với vụ việc. Ông Karnavian có ý nói đến sự kiện cảnh sát chuyển hồ sơ điều tra vụ việc sang bên công tố một ngày trước đó. Cảnh sát nói thêm ông Ahok không thể rời khỏi đất nước trong thời gian bị truy tố. Tuy nhiên, các nhóm Hồi giáo cứng rắn vẫn kêu gọi bắt giữ ông.
Thống đốc Jakarta đối mặt bản án tối đa 5 năm tù nếu bị kết tội. Một kết cục như thế sẽ là dấu chấm hết cho hy vọng tái đắc cử của ông. Ngay cả khi được tuyên trắng án, ông vẫn không có nhiều cơ may tiếp tục làm thống đốc Jakarta thêm một nhiệm kỳ bởi vụ lùm xùm đã khiến tỉ lệ ủng hộ ông lao dốc trong các cuộc thăm dò gần đây. Phát biểu trước các phóng viên sau khi rời Văn phòng Tổng chưởng lý hôm 1-12, ông Ahok kêu gọi sự ủng hộ của công chúng để phiên tòa xét xử ông diễn ra công bằng, minh bạch. Luật sư của ông Ahok tỏ ra lo ngại về tính độc lập của phiên tòa bởi nhiều người đang muốn ông bị kết tội và tống giam.
Theo AP, vụ tranh cãi nói trên đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với hình ảnh Indonesia, quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới. Một số nhân vật đã lợi dụng tình hình để thúc đẩy chương trình nghị sự cực đoan của mình, như kêu gọi ban hành luật Hồi giáo Shariah hà khắc. Trong khi đó, chính quyền ông Widodo cũng không khỏi đau đầu khi thấy bầu không khí căng thẳng đang bao trùm đất nước. Theo sau vụ biểu tình hồi tháng 11, nhà lãnh đạo Indonesia đã lên tiếng cáo buộc có những nhân vật chính trị nào đó tìm cách phá hoại chính phủ ông…
Đến ngày 2-12, cảnh sát cho biết đã bắt giữ 8 người bị nghi phạm tội phản quốc giữa lúc có phỏng đoán họ đang âm mưu phá hoại hoặc lật đổ ông Widodo. Trong số người bị bắt có bà Rachmawati Sukarnoiputri (em gái cựu Tổng thống Megawati Sukarnoiputri), tướng về hưu Kivlan Zein, chính khách Ahmad Dani…
Bình luận (0)