Lãnh đạo Liên Xô (trước đây) ông Joseph Stalin từng ra lệnh buộc trục xuất người Tatar ra khỏi Crimea đến Siberia và Trung Á vào năm 1944 sau khi cáo buộc nhóm người này cấu kết với Đức quốc xã. Họ quay lại Crimea khi Liên Xô tan rã năm 1991.
“Việc bị trục xuất hàng loạt là nỗi đau không gì diễn tả được. Đối với người Tatar tại Crimea, thảm kịch vẫn hằn sâu trong tâm trí họ và chính quyền Nga chiếm đóng rồi nỗ lực sáp nhập Crimea bất hợp pháp đã làm hở vết thương cũ” - John Kerry nói.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm hiện danh sách vi phạm nhân quyền tại Crimea rất dài và sẽ ngày càng dài hơn. Chuyện giết người, bắt cóc, đánh đập người Tatar ở Crimea và những hành vi khác đang trở nên phổ biến hơn.
Việc này khiến nhiều người Tatar đã phải “bỏ chạy” khỏi Crimea. Hàng ngàn người Tatars và những người khác đã rời bỏ nhà cửa của họ tại Crimea, sợ hãi cho sự an toàn. Những người còn lại sẽ phải đối mặt với tương lai bị đàn áp, phân biệt đối xử, kiểm duyệt, hạn chế tự do hội họp…
Người Tatar chiếm khoảng 12% dân số ở Crimea đã từng kịch liệt phản đối việc sáp nhập Crimea vào Nga.
Ngày 8-5, Victoria Nuland, nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ chuyên về châu Âu và Á-Âu cũng từng nói rằng chính quyền Obama vô cùng quan ngại về nhân quyền ở Crimea và nhất là cộng đồng dân tộc thiểu số Tatar trong khu vực này.
Mỹ đã nhiều lần lên án việc Nga “sáp nhập bất hợp pháp” Crimea và bày tỏ ủng hộ “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
Ảnh: RIA Novosti
Một thông tin liên quan, ông Ivan Simonovic, Trợ lý về nhân quyền của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, cho biết 127 người thiệt mạng trong chiến dịch đặc biệt “chống khủng bố” của quân đội thuộc chính phủ tạm quyền Kiev. Kể từ tháng 11-2013, tổng cộng có 250 người chết trong các cuộc đụng độ ở Ukraine.
Hiện vẫn còn 112 người khác đang bị giam trái phép tại khu vực Đông Nam Ukraine và số phận 49 người trong số này đến nay vẫn chưa rõ ra sao. Tổng thống Mỹ đã thảo luận cùng Tổng thống Pháp về tình hình ở Ukraine và đồng ý rằng Nga phải trả giá đắt hơn nữa nếu cứ tiếp tục hành vi khiêu khích, gây mất ổn định khu vực. Tổng thống Obama cũng ca ngợi chính phủ tạm quyền Ukraine đã nỗ lực giữ ổn định đất nước bằng việc vẫn tiến hành bầu cử ngày 25-5 theo kế hoạch.
Cả hai lãnh đạo trên cũng thảo luận về tình hình ở Nigeria, nơi mà nhóm phiến quân Boko Haram đã bắt cóc 276 nữ sinh.
Bình luận (0)