Kazakhstan đang đối mặt cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1991. Trong những ngày qua, hàng ngàn người đã xuống đường phản đối tình trạng giá nhiên liệu tăng cao sau khi chính phủ vào đầu năm nay quyết định dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát giá khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).
Dù vậy, theo Reuters, làn sóng biểu tình đã nhanh chóng trở thành các cuộc bạo loạn chống chính phủ.
Truyền thông địa phương hôm 6-1 dẫn lời cảnh sát cho biết hàng chục phần tử cực đoan đã bị bắn chết khi đang tìm cách tấn công các tòa nhà chính quyền và trụ sở cảnh sát ở TP Almaty đêm hôm trước.
Trước đó, ít nhất 8 cảnh sát và thành viên Lực lượng Vệ binh quốc gia thiệt mạng trong các cuộc biểu tình diễn ra khắp Kazakhstan trong hai ngày 4 và 5-1. Hãng tin TASS dẫn nguồn tin Bộ Y tế Kazakhstan cho biết hơn 1.000 người đã bị thương trong các cuộc biểu tình, trong đó hơn 400 người phải nhập viện.
Trong nỗ lực xoa dịu làn sóng bất ổn đang lan rộng, chính phủ Kazakhstan hôm 5-1 buộc phải từ chức trong lúc các biện pháp kiểm soát giá LGP tạm thời được khôi phục.
Dù vậy, bạo loạn vẫn tiếp diễn tại nhiều nơi, ngay cả khi Tổng thống Kassym Jomart Tokaiev chấp nhận một số đòi hỏi khác của phe biểu tình. Theo đài RT (Nga), có thông tin một số người biểu tình cướp phá cơ sở quân sự và tấn công lực lượng an ninh.
Lực lượng an ninh được triển khai để đối phó một cuộc biểu tình ở TP Almaty - Kazakhstan hôm 5-1 Ảnh: Reuters
Tổng thống Tokaiev sau đó đã ban bố tình trạng khẩn cấp khắp nước, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CTSO, có 6 quốc gia thành viên là Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan).
Giải thích cho lời kêu gọi này, ông Tokaiev cho rằng người biểu tình hoạt động theo lệnh của các nhóm khủng bố quốc tế nhưng không cho biết chi tiết.
CTSO hôm 6-1 quyết định gửi lực lượng đến để giúp ổn định tình hình Kazakhstan, trong lúc cáo buộc sự can thiệp từ bên ngoài đã dẫn đến các cuộc biểu tình ở quốc gia Trung Á giàu tài nguyên này.
CSTO cho biết thêm các đơn vị của Nga, Belarus, Armenia, Tajikistan và Kyrgyzstan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình nói trên nhưng không tiết lộ quy mô. Cũng theo CSTO, binh sĩ thuộc lực lượng lính dù Nga đã được phái đến Kazakhstan và những đơn vị đầu tiên đã bắt tay thực hiện nhiệm vụ.
Tình trạng bất ổn tại Kazakhstan không khỏi khiến 2 nước láng giềng Nga và Trung Quốc lo lắng. Kazakhstan hiện xuất khẩu phần lớn dầu sang Trung Quốc và là đồng minh chiến lược chủ chốt của Nga.
Kazakhstan cũng quan trọng đối với Mỹ, nhất là trong lĩnh vực năng lượng. Theo tờ The New York Times, hai tập đoàn năng lượng Exxon Mobil và Chevron đã đầu tư hàng chục tỉ USD vào miền Tây Kazakhstan, nơi khởi đầu của làn sóng bất ổn trong tháng này.
Không gì lạ khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 6-1 cho rằng những gì xảy ra là chuyện nội bộ của Kazakhstan và bày tỏ hy vọng tình hình ở đó sớm ổn định trở lại.
Trước đó một ngày, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh Kazakhstan có thể tự giải quyết những vấn đề của mình và điều quan trọng là không ai được can thiệp từ bên ngoài. Bộ Ngoại giao Nga cho biết đang theo dõi sát những gì diễn ra ở nước láng giềng này và hy vọng tình hình sẽ trở lại bình thường sớm nhất có thể.
Cũng trong ngày 5-1, phát ngôn viên Nhà Trắng thúc giục nhà chức trách Kazakhstan kiềm chế trong lúc đối phó với làn sóng biểu tình bạo lực. Washington cũng bác bỏ cáo buộc đứng sau các vụ biểu tình bạo lực đang làm rung chuyển Kazakhstan.
Bình luận (0)