Thông tin trên do Financial Times (FT) đăng tải hôm 26-3 trong bối cảnh lo ngại con tàu khổng lồ Ever Given có thể chặn một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới suốt nhiều tuần.
Hoặc là các tàu hàng chọn cách thả neo và chờ đợi hoặc phải tìm tuyến đường mới, rất có thể là vòng qua châu Phi.
Theo cơ quan giám sát Cục Hàng hải Quốc tế (IMB), tuyến đường mới này có lịch sử về nạn cướp biển, xảy ra vào năm 2020.
Nhiều công ty vận tải biển được cho là đã kêu gọi hải quân Mỹ chú ý đến mối lo ngại an ninh của họ nếu các tàu chở hàng trị giá hàng tỉ USD di chuyển qua đó.
Tàu Ever Given chặn ngang kênh đào Suez. Ảnh: EPA, AP
Người phát ngôn Hạm đội 5 của hải quân Mỹ xác nhận với FT rằng vụ kẹt tàu ở kênh đào Suez khiến các công ty vận tải biển toàn cầu đặt câu hỏi về "an ninh hàng hải trong khu vực".
Một số hiệp hội vận chuyển xác nhận những lo ngại liên quan đến cướp biển. Chủ tịch Hội đồng Chủ hàng Hồng Kông, Willy Lin, cho FT biết họ có thể đề nghị tàu chiến hải quân giúp bảo vệ tàu hàng trong khu vực.
Tạp chí Forbes đã liên hệ với các lực lượng hải quân của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh cùng với một số công ty vận tải biển lớn nhất thế giới, bao gồm Maersk (Đan Mạch), MSC (Thụy Sĩ - Ý) và COSCO (Trung Quốc), để tìm kiếm thêm thông tin.
Sự cố tàu container Ever Given chặn ngang kênh đào Suez hôm 23-3 khiến giao thông tại một trong những tuyến đường vận chuyển quan trọng nhất thế giới bị cắt đứt. Các chuyên gia tin rằng có thể mất vài tuần nữa mới giải quyết được tình hình. Điều này làm các công ty vận tải biển phải đưa ra những quyết định khó khăn và đẩy chi phí tăng cao.
FT thống kê khoảng 12% lưu lượng thương mại toàn cầu đi qua kênh đào Suez. Ngoài tác động đến vận chuyển, sự cố còn khiến giá dầu và chi phí vận chuyển tăng vọt. Giao thông bị trì hoãn cũng có thể ảnh hưởng đến các cảng trong tương lai gần.
Hôm 26-3, Mỹ tuyên bố sẵn sàng giúp Ai Cập "giải cứu" kênh đào Suez bằng cách cử nhóm chuyên gia hải quân nếu được yêu cầu. Nhóm sẽ xuất phát từ Bahrain, nơi đặt căn cứ của Hạm đội 5, ngay trong hôm 27-3 một khi nhận được lệnh.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói: "Đây là một phần của cuộc đối thoại ngoại giao tích cực với Ai Cập. Chúng tôi đã đề nghị hỗ trợ chính quyền Ai Cập giúp thông suốt lại kênh đào. Chúng tôi đang tham khảo ý kiến của đối tác Ai Cập về cách thức hỗ trợ. Những cuộc tham vấn đó đang diễn ra".
Đại úy hải quân Bill Urban, người phát ngôn Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ hoạt động trên khắp Trung Đông, cam kết sẵn sàng hành động nếu được yêu cầu.
Quân đội Mỹ cũng có thể hỗ trợ và đưa ra hướng dẫn đối với các tàu hàng ảnh hưởng để chúng lựa chọn hành trình qua mũi phía Nam của châu Phi, đồng thời hộ tống chúng qua vùng biển bị cướp biển hoành hành.
Nga đề ra giải pháp thay thế
Tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Nga Rosatom đề xuất sử dụng tuyến đường biển Bắc Cực thay cho kênh đào Suez đang bị chặn. Trên mạng xã hội Twitter, Rosatom liệt kê các lý do để chứng minh rằng giải pháp này khả thi: tuyến đường mới rộng rãi hơn nên dễ xoay sở; hạm đội tàu phá băng hạt nhân của Rosatom - bao gồm 5 tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân, 1 tàu container và 4 tàu dịch vụ - có thể dễ dàng giải cứu bất kỳ tàu nào mắc kẹt trong băng tuyết.
Tàu phá băng Alexander Sannikov. Ảnh: RT
Bình luận (0)