Bắc Kinh giờ đây có thể phải chật vật với việc thay đổi cách quản lý đặc khu này theo sau kết quả bầu cử nói trên và hơn 5 tháng diễn ra biểu tình.
Ông Anthony Cheung Bing-leung, cựu lãnh đạo Cơ quan giao thông và nhà ở tại Hồng Kông, cho rằng Bắc Kinh sẽ phải xem xét lại cách tiếp cận nhằm chấm dứt tình trạng hỗn loạn trong thành phố sau khi phe ủng hộ dân chủ thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử hội đồng quận.
Theo ông Cheung, cả hai phe ủng hộ dân chủ và Trung Quốc xem cuộc bầu cử hội đồng quận năm nay là một cuộc chiến chính trị chứ không phải cuộc bầu cử thông thường về các vấn đề sinh kế.
Cử tri Hồng Kông đi bỏ phiếu đông kỉ lục. Ảnh: SCMP
Đồng quan điểm, nhà khoa học chính trị của Trường ĐH Thành phố Hồng Kông Ray Yep Kin-man, cho rằng phe thân Bắc Kinh có thể phải trả giá đắt cho việc ủng hộ chính quyền thúc đẩy dự luật dẫn độ gây tranh cãi cũng như các vấn đề pháp lý khác. Chuyên gia này cũng cho hay Trung Quốc sẽ phải quyết định có sa thải Đặc khu trưởng Carrie Lam hay không.
Theo ông Ray Yep Kin-man, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu và kết quả cuộc bầu cử người dân Hồng Kông quyết tâm muốn có tiếng nói trong các vấn đề chính trị khác nhau.
Ông Ray Yep Kin-man cho rằng kết quả cuộc bầu cử cho thấy quyết tâm của người dân Hồng Kông muốn có tiếng nói trong các vấn đề chính trị khác nhau. Ảnh: SCMP
Cuộc bầu cử hội đồng quận được xem là phép thử về sự ủng hộ dành cho phong trào biểu tình và chính quyền thành phố. Số lượng cử tri bỏ phiếu không chỉ nhiều hơn cuộc bỏ phiếu của hội đồng quận năm 2015, mà còn cuộc bầu cử vào năm 2003.
Cuộc bầu cử năm 2003 diễn ra sau nhiều tháng biểu tình thu hút 500.000 tham gia buộc chính quyền rút một dự thảo luật về an ninh quốc gia, được gọi là Điều 23.
Giới trẻ Hồng Kông ăn mừng chiến thắng sau kết quả bầu cử. Ảnh: AP
Ông Cheung cho rằng trong khi Bắc Kinh nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn bạo lực ở Hồng Kông thì giờ đây họ nên nắm bắt cơ hội để điều chỉnh cách tiếp cận của mình. Cựu quan chức này cho biết: "Các quan chức Bắc Kinh nên hiểu quan điểm của người dân Hồng Kông sau kết quả bầu cử trong khi chính quyền đặc khu nên làm nhiều hơn ngoài việc ngăn chặn bạo lực thông qua triển khai lực lượng cảnh sát".
Ông Cheung tin rằng Bắc Kinh sẽ nhận thấy sự cần thiết phải điều chỉnh chính sách sau kết quả bầu cử và chỉ định một ủy ban điều tra để giải quyết các đề nghị của người dân Hồng Kông là một lựa chọn khả thi.
Ông Li Xiaobing, một chuyên gia chính sách về Hồng Kông tại Trường ĐH Nankai ở Thiên Tân – Trung Quốc, cũng đồng ý việc chính phủ Trung Quốc cần thay đổi đánh giá về tình hình Hồng Kông.
Chuyên gia này cho rằng Bắc Kinh cần nỗ lực nhiều hơn để có được sự ủng hộ của người dân Hồng Kông nhưng không nghĩ rằng một cuộc điều tra độc lập là cách hiệu quả để xoa dịu cuộc khủng hoảng.
Bình luận (0)