Các phòng phiếu mở cửa trong 15 giờ nhưng chỉ mới gần nửa chặng đường, số lượng cử tri bỏ phiếu đã vượt qua tổng số lượng cử tri của cuộc bầu cử trước đó vào năm 2015 là 1,4 triệu người.
Năm nay, theo báo South China Morning Post (SCMP), có tất cả 1.090 ứng viên ra tranh cử để giành 452 ghế thuộc 18 hội đồng quận phụ trách các vấn đề địa phương trong nhiệm kỳ 4 năm, bắt đầu từ ngày 1-1-2020. Với số lượng ứng viên kỷ lục, đây là năm đầu tiên toàn bộ 452 ghế hội đồng quận được nhắm đến.
Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh Hồng Kông đang hứng chịu một cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có, với sự chia rẽ ngày càng khoét sâu vì các cuộc biểu tình bạo lực.
Theo trang Bloomberg, trong khi phần lớn người dân Hồng Kông ủng hộ mục tiêu của đám đông biểu tình về việc yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra độc lập để làm rõ liệu cảnh sát có lạm quyền hay không, họ ngày càng ngán ngẩm với các chiến thuật của người biểu tình, trong đó có phá hoại mạng lưới giao thông công cộng.
Cử tri xếp hàng đợi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử hội đồng quận ở Hồng Kông hôm 24-11. Ảnh: REUTERS
Ông Jimmy Sham, một ứng viên ra tranh cử, nhận định lượng cử tri đông đảo cho thấy người dân Hồng Kông mong chờ cơ hội thể hiện lập trường của họ. Trong khi đó, Trưởng Đặc khu Hồng Kông Carrie Lam tuyên bố sẽ "lắng nghe kỹ càng hơn" tiếng nói của các hội đồng quận.
"Tôi hy vọng sự ổn định và yên bình không chỉ dành riêng cho ngày bầu cử hôm nay, mà còn để chứng minh rằng không ai muốn Hồng Kông chìm trong khủng hoảng" - bà Lam chia sẻ trong lúc bỏ phiếu.
Theo ông Chi-Jia Tschang (Công ty BowerGroupAsia), cuộc bầu cử hôm 24-11 "tương tự một cuộc trưng cầu ý dân về chính quyền cũng như mọi thứ diễn ra trong suốt 5 tháng qua". Nếu phe ủng hộ dân chủ giành quyền kiểm soát các hội đồng quận, họ có thể giành 6 ghế trong Hội đồng Lập pháp và 117 ghế trong ủy ban 1.200 thành viên bầu chọn trưởng đặc khu.
Tuy nhiên, ông Ivan Choy, Trường ĐH Trung văn Hương Cảng (Hồng Kông), tỏ ra hoài nghi với khả năng này bởi phe ủng hộ dân chủ có thể sẽ không nhận được sự ủng hộ của các cử tri ôn hòa. "Nếu bầu cử diễn ra vào tháng 5, 6 hoặc 7, tôi tin phe ủng hộ dân chủ sẽ giành chiến thắng cách biệt. Sau 5 tháng…, tôi lo rằng các cuộc biểu tình sẽ phản tác dụng bởi nhiều cử tri trung dung muốn trật tự được tái lập" - ông Choy giải thích.
Vấn đề Hồng Kông còn khiến quan hệ Mỹ - Trung Quốc thêm căng thẳng ngay cả khi hai bên đang nỗ lực tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh thương mại. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien hôm 23-11 tuyên bố Washington sẽ không làm ngơ về những gì xảy ra ở Hồng Kông, bất chấp họ và Bắc Kinh đang thương thảo về một thỏa thuận thương mại ban đầu.
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chỉ trích Mỹ là "nhân tố gây bất ổn toàn cầu lớn nhất" khi phá hoại chủ nghĩa đa phương, hệ thống thương mại toàn cầu và can thiệp vào vấn đề Hồng Kông.
Bình luận (0)