Đây được đánh giá là một trong những cuộc tập trận quân sự đa quốc gia lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo hãng tin AP, 29 quốc gia sẽ tham dự cuộc tập trận với tư cách là người tham gia hoặc quan sát viên.
Ngoài Mỹ và Thái Lan, 7 nước gồm Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Hàn Quốc đóng vai trò tham gia tích cực. Tuy nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn gặp một số hạn chế khi tham gia tập trận.
Từ trái qua: Quyền Đại sứ Mỹ tại Thái Lan Peter Haymond, Tướng Pornpipat Benyasri (Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Thái Lan) và Trung tướng Gary J. Volesky (đại diện Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ) tại lễ khai mạc "Hổ mang Vàng" hôm 12-2. Ảnh: AP
Quyền Đại sứ Mỹ tại Thái Lan, Peter Haymond, phát biểu tại lễ khai mạc "Hổ mang Vàng" ở Trại Akatotsarot, tỉnh Phitsanulok, miền Bắc Thái Lan rằng mục đích của cuộc tập trận là tăng cường khả năng tương tác, tăng cường mối quan hệ giữa các quốc gia tham gia, giải quyết các mối đe dọa an ninh và thảm họa quốc gia. "Hổ mang Vàng" được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1982.
AP cho biết cuộc tập trận dự kiến kết thúc vào ngày 22-2, trong đó có 3 nội dung chính: huấn luyện quân sự; hỗ trợ nhân đạo và huấn luyện cứu trợ khi xảy ra thảm họa với khoảng 10.000 nhân viên quân sự góp mặt. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tham gia một cuộc diễn tập hỗ trợ nhân đạo.
Mỹ gửi tổng cộng 4.500 nhân viên quân sự tới "Hổ mang Vàng" lần thứ 38. Nhật Bản cũng triển khai 170 nhân viên quân sự và một máy bay vận tải C-130. Myanmar - không tham dự lễ khai mạc hôm 12-2 – sẽ quan sát cuộc tập trận cùng 9 quốc gia khác.
Một số hình ảnh trong cuộc tập trận “Hổ mang Vàng” năm 2018. Ảnh: MINDEF
Bình luận (0)