Hàng chục bác sĩ, điều dưỡng, chuyên gia y tế, bệnh nhân và nhà quản trị đã kể với hãng tin AP về những vụ cầm tù trong các bệnh viện ở ít nhất 30 quốc gia, trong đó có Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Trung Quốc, Thái Lan, Lithuania, Bulgaria cùng một số quốc gia khác ở Mỹ Latin và Trung Đông.
Những số phận bị phớt lờ
Cuộc điều tra của AP dựa trên báo cáo mới của tổ chức chính sách độc lập Chatham House (Anh). Các chuyên gia của tổ chức này ghi nhận hơn 60 bản tin được truyền thông đăng tải về tình trạng giam giữ bệnh nhân tại 14 quốc gia ở châu Á và châu Phi Hạ Sahara.
"Điều gây sửng sốt là càng tìm hiểu nhiều, chúng tôi càng phát hiện nhiều vấn đề. Hàng trăm ngàn người, nếu không phải là hàng triệu người, trên khắp thế giới đang bị giam lỏng trong bệnh viện. Đây không phải là chuyện chỉ xảy ra ở một số ít quốc gia nhưng lại không được ai quan tâm đến và nó nằm "ngoài vùng phủ sóng" của hệ thống y tế công cộng" - bác sĩ Ashish Jha, Giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu Harvard (Mỹ), nhận định.
Trong các chuyến đi đến Bệnh viện Quốc gia Kenyatta ở thủ đô Nairobi - Kenya hồi tháng 8 qua, phóng viên AP chứng kiến cảnh một số nhân viên bảo vệ vũ trang mặc quân phục canh giữ trái phép bệnh nhân. Họ khóa trái cửa và thậm chí dùng cả dây xích cho đến khi bệnh nhân giải quyết xong số tiền phải trả. Các bà mẹ và những đứa con sơ sinh thỉnh thoảng cũng bị chia cắt. Những vụ cầm giữ bệnh nhân như thế vẫn diễn ra bất chấp tòa án phán quyết cách đây nhiều năm rằng đây là hành động bất hợp pháp.
Trong vụ việc tiêu biểu, Robert Wanyonyi, người đã bị bắn và bị liệt trong một vụ trộm cách đây hơn 1 năm, đang bị cầm tù tại Bệnh viện Quốc gia Kenyatta. Bệnh viện không cho phép bệnh nhân này rời khỏi chiếc giường trên tầng 4 bệnh viện bởi anh ta không thể thanh toán hóa đơn gần 4 triệu shilling Kenya (39.570 USD). Đáng chú ý, Bệnh viện Quốc gia Kenyatta là cơ sở y tế lớn nhất ở Đông Phi, nơi tiến hành hơn 10 dự án với các đối tác nước ngoài và được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ gọi là một "trung tâm của sự ưu tú".
Một số bệnh nhân bị cầm giữ tại Bệnh viện Quốc gia Kenyatta (ảnh lớn) và cô Maimuna Awuor Omuya từng bị cầm giữ gần 1 tháng sau khi không thể thanh toán viện phí cho lần sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Pumwani ở thủ đô Nairobi - Kenya hồi tháng 9-2010Ảnh: AP
Các bệnh viện cho biết chuyện cầm tù bệnh nhân không nhất thiết là vì tiền bạc. Dù vậy, nhiều người nói động thái này có tác dụng răn đe và thường dẫn đến kết quả là một phần viện phí được thanh toán. Ngay cả người chết cũng không được thả ra: Các bệnh viện ở Kenya lưu giữ hàng trăm thi thể cho đến khi gia đình thanh toán các hóa đơn của người thân đã qua đời - giới chức chính phủ xác nhận.
Vi phạm nhân quyền
Không như nhiều bệnh viện ở các nước phát triển, các bệnh viện ở châu Phi không cung cấp thức ăn, áo mặc và chăn gối cho bệnh nhân nên chuyện cầm giữ họ không tốn kém thêm bao nhiêu. Trong khi đó, các bệnh nhân bị giam lỏng trông chờ vào sự thăm nuôi của gia đình. Những ai không có người thân thì cầu xin sự giúp đỡ của nhân viên bệnh viện hoặc bệnh nhân khác.
Tại nhiều bệnh viện ở Kenya, kể cả Kenyatta, nhân viên trang bị súng trường tuần tra các hành lang và canh gác cổng ra vào. Bệnh nhân phải xuất trình giấy ra viện cho bảo vệ bệnh viện và người ngoài vào thăm bệnh nhân đôi khi bị buộc nộp thẻ căn cước.
Các chuyên gia y tế lên án hành vi cầm tù tại bệnh viện là vi phạm nhân quyền. Thế nhưng, Liên Hiệp Quốc, Mỹ và các cơ quan y tế quốc tế, các nhà tài trợ và tổ chức từ thiện đều không lên tiếng trong khi vẫn bơm hàng tỉ USD vào các nước này để hỗ trợ cuộc chiến chống các dịch bệnh như AIDS và sốt rét.
"Đây là chuyện xấu của ngành y tế toàn cầu mà không ai muốn nói đến. Người ta biết các bệnh nhân đang bị cầm giữ như tù nhân nhưng có lẽ họ nghĩ rằng đang có những trận chiến lớn hơn trên mặt trận y tế công cộng nên cứ để cho mọi chuyện diễn ra như thế" - bà Sophie Harman, chuyên gia y tế tại Trường ĐH London Queen Mary (Anh), nhận định.
Chuyện nhốt bệnh nhân có vẻ phổ biến nhất ở những quốc gia có hệ thống y tế mong manh, thiếu kinh phí và sự giám sát của chính quyền. Dù vậy, ngay cả một số quốc gia khá hơn cũng chứng kiến tình trạng này, như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Iran… Ở nhiều nước khác, những bệnh nhân nào không thể trả viện phí thường được gửi đến bệnh viện công - nơi nhà nước chi trả cho việc điều trị. Ngoài ra, một số bệnh viện giải quyết bài toán viện phí bằng cách yêu cầu bệnh nhân thanh toán trước.
Bình luận (0)