“Khói mù xâm chiếm Bắc Kinh” - Tân Hoa Xã viết trên trang mạng xã hội Twitter, đính kèm đoạn video cho thấy cảnh tượng ngột ngạt mà các nhà chức trách hãy còn tranh cãi có nên gọi đó là “thảm họa khí tượng” hay không.
Báo động đỏ
Báo động đỏ vì ô nhiễm đưa ra hôm 16-12 kèm cảnh báo Bắc Kinh sẽ chìm trong sương mù, khói bụi đến ngày 21-12. Vào lúc 16 giờ 30 phút (theo giờ địa phương), mật độ PM2.5 (những hạt bụi li ti trong không khí có kích thước 2,5 micron trở xuống) trong không khí ở các khu vực trung tâm lên tới 253, tức mức ô nhiễm nặng.
Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh phát báo động đỏ trong năm nay, là mức cao nhất trong thang cảnh báo ô nhiễm không khí và khói bụi gồm 4 bậc.
Người dân Bắc Kinh đeo khẩu trang ra đường Ảnh: TÂN HOA XÃ
Trước tình trạng sương mù dày đặc bao phủ, chính quyền thành phố yêu cầu đóng cửa trường mẫu giáo, tiểu học và trung tâm đào tạo tư nhân. Tất cả công trình xây dựng và bảo trì đường bộ đều được yêu cầu tạm ngừng làm việc.
Chính quyền cũng triển khai các biện pháp hạn chế xe cộ như cấm lưu thông phương tiện cũ và gây ô nhiễm cao, xe cá nhân lưu thông luân phiên theo biển chẵn lẻ và phương tiện công cộng được bổ sung hoạt động thay thế. 44 công trình thi công và bảo dưỡng cầu đường phải tạm ngừng thi công.
Người dân được yêu cầu hạn chế tiếp xúc với khói mù bằng cách ở trong nhà với máy lọc không khí, chỉ ra ngoài khi cần thiết và đeo khẩu trang. Song song đó, Bắc Kinh yêu cầu 1.200 nhà máy ở khu vực xung quanh thủ đô tạm ngừng hoạt động hoặc cắt giảm sản xuất, bao gồm Nhà máy Lọc dầu Yanshan (sản lượng 10 triệu tấn/năm) của Tổng Công ty Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc (Sinopec), Công ty Sản xuất thép quốc doanh Shougang và Nhà máy Thực phẩm Cofco.
Báo The Guardian (Anh) dẫn thông tin từ Cơ quan Bảo vệ môi trường Trung Quốc cho biết ngoài Bắc Kinh, 21 thành phố khác ở khắp miền Bắc và miền Trung nước này cũng phát báo động đỏ, trong đó có Thiên Tân, Thạch Gia Trang, Trịnh Châu... 388 người bị phạt vì đốt lửa và ăn đồ nướng ngoài trời. Hơn 19.000 phương tiện bị kiểm tra và có 18 trường hợp vi phạm.
Cần giải pháp dài hạn
Chuyên gia khí hậu Đổng Liên Tái, thuộc Tổ chức Greenpeace tại Trung Quốc, đổ lỗi cho tình trạng ô nhiễm nặng nề là từ các nhà máy nhiệt điện than. “Than là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm nghiêm trọng” - ông Đổng nói, đồng thời cảnh báo bụi PM2.5 gây nguy hại cho sức khỏe con người, trong đó có ung thư phổi, hen suyễn và bệnh tim.
Mặc dù xem cảnh báo đỏ là bước đi tích cực để giảm lượng khí thải, mức độ ô nhiễm nhưng đây được cho chỉ là biện pháp tạm thời. “Nếu muốn giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm không khí, phải có một chính sách dài hạn và than là gốc rễ” - ông Đổng nhấn mạnh.
Phát biểu với tờ The New York Times trong tuần này, nhà môi trường Mã Quân cho biết Trung Quốc đã có tiến bộ đáng kể trong việc theo dõi các nguồn gây ô nhiễm không khí trong 10 năm qua và minh bạch thông tin hơn về các thảm họa môi trường.
Dẫu vậy, ô nhiễm môi trường vẫn ảnh hưởng xấu đến đời sống. Ước tính năm 2030 sẽ có khoảng 1,3 triệu người Trung Quốc tử vong sớm do chất lượng không khí kém nếu quốc gia này giữ các chỉ tiêu ô nhiễm không khí hiện tại và không nỗ lực hơn để hạn chế quá trình đốt than đá và khí thải.
Theo trang Sohu, Chủ tịch Tập Cận Bình đang tìm cách thay thế than đá bằng nhiên liệu sạch hơn nhằm cắt giảm ô nhiễm. Nước này cũng công bố kế hoạch tăng tiêu thụ khí tự nhiên lên 10% tổng năng lượng sử dụng đến năm 2020 từ mức 6% hiện nay.
Tuy nhiên, nhà phân tích Helen Lau, thuộc Công ty Chứng khoán Hồng Kông Argonaut Securities Asia, phân tích: “Tăng trưởng tiêu thụ than trong vòng 5 năm tới được cho là mạnh hơn so với dự kiến. Điều này có nghĩa sản xuất than không thể giảm thêm nữa, nếu không thì thị trường sẽ chịu thiếu hụt”.
Truyền thông Trung Quốc cho biết nước này từng sử dụng các biện pháp gây mưa để rửa sạch bầu trời. Tuy nhiên, các nhà khoa học ở Trường ĐH Bắc Kinh và ĐH Phục Đán (TP Thượng Hải) nhận định tình trạng ô nhiễm không khí sẽ quay lại và tồi tệ hơn sau mỗi đợt chính phủ cố gắng tạo ra bầu trời trong xanh nhất thời theo cách trên.
Bình luận (0)