Cao ủy Navy Pillay ước lượng hơn 4.000 người, bao gồm 307 trẻ em, đã bị giết trong gần 9 tháng kể từ cuộc nổi dậy chống chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Bà Pillay, người có tiếng nói mạnh mẽ về Syria, cho rằng ít nhất 14.000 người đã bị bắt giữ. “Sự trấn áp liên tục và không thương xót của nhà chức trách Syria, nếu không dừng ngay, có thể đẩy đất nước vào một cuộc nội chiến đúng nghĩa” - báo The New York Times dẫn lời bà Pillay nói tại phiên họp khẩn của Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneva, Thụy Sĩ. Bà đòi chấm dứt ngay tất cả các hành vi giết chóc, tra tấn và những hình thức bạo lực khác.
Ngay khi cuộc họp khẩn cấp diễn ra ở Thụy Sĩ thì tại Syria, những người phản đối lại xuống đường sau các buổi cầu nguyện. Họ gọi đợt chống đối mới nhất là “thứ sáu vì vùng cấm bay”, ám chỉ một nơi chốn yên lành mà họ hy vọng có được nhờ vào áp lực của cộng đồng thế giới. Cuộc biểu tình của họ tiếp tục trả giá với thêm 6 mạng người…
Trong số phiếu chống có Nga và Trung Quốc, hai nước đã không đồng ý những bước đi nhằm tìm kiếm một nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Syria vì sợ điều đó có thể dẫn đến sự can thiệp quân sự như đã từng xảy ra ở Libya. Hãng tin AFP trích dẫn nội dung trong một tuyên bố của Moscow: “Những quan điểm được đưa vào nghị quyết, bao gồm lời gợi ý úp mở về khả năng can thiệp quân sự từ nước ngoài lấy cớ bảo vệ dân thường Syria, là không thể chấp nhận đối với phía Nga”.
Hồi tháng 8, bà Pillay hối thúc Hội đồng Bảo an LHQ chuyển Syria đến Tòa án Hình sự Quốc tế vì những tội ác chống loài người. Rồi thứ năm vừa qua, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chống các quan chức và các công ty của Syria. Đại sứ Syria tại LHQ, ông Faysal Khabbaz Hamoui, đã phản ứng giận dữ trước những tuyên bố của bà Pillay. Ông nói vấn đề Syria chỉ có thể được giải quyết bởi nhân dân Syria, giải pháp cho nó không thể đến từ giới lãnh đạo chóp bu của cộng đồng quốc tế, ngược lại, chỉ có tác dụng “đổ thêm dầu vào lửa”.
Đại sứ Mỹ tại Hội đồng Nhân quyền Eileen Chamberlain Donahoe nói với hãng Reuters rằng nghị quyết “đặt nền tảng” cho những bước đi xa hơn của LHQ và các tổ chức khác. Theo bà, Tòa án Hình sự Quốc tế sẽ là một địa chỉ để chuyển vấn đề Syria đến nếu Hội đồng Bảo an LHQ đồng ý. Tuy nhiên, hội đồng rất quyền lực này khó mà thuận tình tuyệt đối khi Nga và Trung Quốc đã lắc đầu với nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền. Vậy nên, diễn biến tình hình sẽ còn gai góc.
Bình luận (0)