Trang web của Lầu Năm Góc đã đăng tải hình ảnh chụp 1 trong 3 chiếc tàu ngầm thuộc lớp Seawolf tối tân này treo trên đài chỉ huy lá cờ in hình sọ người với 2 cái xương bắt chéo, còn gọi là cờ Jolly Roger.
Theo các bức ảnh đăng hồi tháng 4 năm nay, tàu Jimmy Carter dài 135 m này cũng đã treo cờ cướp biển sau khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra trở về.
Tàu ngầm hạt nhân USS Jimmy Carter treo cờ cướp biển bên cạnh cờ Mỹ trên đài chỉ huy. Ảnh: TWITTER
Lá cờ đen của cướp biển đã từng được giương lên trên đài chỉ huy tàu ngầm hồi mới bắt đầu thế chiến thứ I.
Năm 1914, sau khi đánh chìm tàu khu trục Hela của Đức, tàu ngầm HMS E-9 của Anh, dưới sự chỉ huy của thiếu tá hải quân Max Horton, trở về cảng với lá cờ Jolly Roger trên tháp chỉ huy. Ông Horton cho treo lá cờ cướp biển lên nhằm phát tín hiệu cho thấy ông đã đánh chìm tàu chiến của địch. Khi thành tích chiến trận của sĩ quan Horton tăng thêm, ông bắt đầu đánh thêm những dấu vạch vào lá cờ này.
Ngoài ra, theo báo Mirror, quyết định treo lá cờ đen của ông Horton xuất phát từ những lời lẽ bình phẩm được đô đốc Anh Arthur Wilson nói ra đúng 14 năm trước. Ông Wilson nói tàu ngầm là "dạng thức tấn công lén lút" và các thủy thủ đoàn sẽ bị "đối xử như cướp biển thời chiến". Hơn nữa, ông Wilson nhận xét những con tàu hoạt động ngầm dưới biển là "thứ vũ khí của thế lực yếu kém hơn".
Sau đó, tàu ngầm Anh hầu như vẫn giữ truyền thống treo cờ đen cướp biển như trên trong khi tàu ngầm phe đồng minh thời thế chiến II đôi khi cũng treo lá cờ này.
Tuy nhiên, dư luận thắc mắc vì sao tàu ngầm Jimmy Carter của Mỹ khi trở về căn cứ lại theo truyền thống này của người Anh?
Hoạt động của tàu ngầm Mỹ hiếm khi được Lầu Năm Góc bàn bạc rộng rãi và các con tàu hoạt động hầu như trong bí mật hoàn toàn.
Ít có khả năng tàu Jimmy Carter vừa phá hủy một tàu địch bằng ngư lôi nhưng lá cờ đen cho thấy chiến tích của một sứ mệnh ngầm nào đó.
Bình luận (0)