Chính vì vậy, việc đạt được Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được xem là chiến thắng biểu tượng của chính quyền ông Obama trong cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh, theo báo The New York Times (Mỹ).
Phát biểu sau khi đạt được thỏa thuận về TPP, Tổng thống Obama nhấn mạnh: “Hơn 95% khách hàng tiềm năng của Mỹ nằm bên ngoài biên giới nên chúng ta không thể để những quốc gia như Trung Quốc viết luật lệ cho kinh tế toàn cầu”.
Hãng tin Bloomberg đánh giá Trung Quốc có thể là một trong những nước thua thiệt nhất khi không gia nhập TPP. Cựu Giám đốc khối thương mại Nam Mỹ Mercosur, ông Jose Manuel Quijano, nói với trang Sputnik (Nga): “Trung Quốc là nạn nhân chính”! Trong khi đó, cư dân mạng Trung Quốc lo lắng nước mình “sẽ chết từ từ” hay phải giã từ biệt danh “công xưởng của thế giới”.
Cuộc họp báo công bố đạt được thỏa thuận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
hôm 5-10 Ảnh: EPA
Để trấn an, Thời báo Hoàn cầu dẫn lời bà Hoàng Vi, thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng TPP chỉ “tác động về mặt tâm lý”, khiến nhiều người nghĩ Trung Quốc bị các nước láng giềng bỏ rơi chứ không gây thiệt hại kinh tế.
Đây không phải là suy nghĩ của riêng Bắc Kinh. Ông Bilahari Kausikan, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Singapore, đánh giá: “Ngay cả khi kinh tế đang xuống dốc, Trung Quốc vẫn có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn hầu hết các nước công nghiệp”.
Bên cạnh đó, mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và bạn bè của Mỹ tại châu Á không ngừng thắt chặt. Bài phân tích trên trang Fortune.com nêu rõ kể từ năm 2005, Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mại tự do với nhiều thành viên TPP, như Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Singapore, Peru... Tính tới cuối năm 2014, Bắc Kinh chi tới hơn 870 tỉ USD trên toàn thế giới để củng cố các nguồn cung cấp nguyên liệu thô và sản phẩm công nghiệp phụ trợ.
Chưa hết, báo cáo hồi tháng 7 qua của nhóm Đối thoại Bắc - Nam Mỹ (Mỹ) chỉ ra thực tế Trung Quốc đang là nước cho vay lớn: “Các khoản cho vay của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc trong khu vực hiện lớn hơn của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cộng lại” - báo cáo viết. Đó là chưa kể đến Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) với 47 thành viên trong khu vực và 20 thành viên ngoài khu vực.
Theo đài RT (Nga), Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách liên kết với các nước khác để đối trọng TPP. RT cho hay kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu đạt 428,1 tỉ euro năm 2013 trong khi BRICS - nhóm các nền kinh tế mới nổi mà nước này tham gia - hiện chiếm 17% sản lượng thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, có vẻ Bắc Kinh không lựa chọn đối đầu. Tân Hoa Xã đăng bình luận nhấn mạnh: “Cánh cửa TPP không thể đóng mãi mãi với Trung Quốc”.
Bình luận (0)