Một nhóm nghiên cứu cho rằng nhà máy hóa chất nêu trên đang sản xuất một loại nhiên liệu đặc biệt dành cho tên lửa có tên gọi là UDMH, được Triều Tiên sử dụng trong các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa thời gian qua.
Nhà máy này có tên gọi February 8 Vinalon Plant và nằm tại một khu vực hẻo lánh ở TP Hamhung.
Tuyên bố này nhiều khả năng sẽ gây ra một cuộc tranh luận đối với các nhà giám sát Triều Tiên. Một số chuyên gia từng quả quyết rằng Triều Tiên không thể sản xuất UDMH, ám chỉ rằng quốc gia này nhập nó từ Trung Quốc hay Nga.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đến từ tổ chức chống phổ biến hạt nhân James Martin Center for Nonproliferation Studies (CNS) thuộc Trường ĐH Middlebury (Mỹ) mới đây khẳng định Bình Nhưỡng đã làm chủ công nghệ sản xuất UDMH.
Nếu tuyên bố trên được xác nhận, Triều Tiên sẽ không còn phụ thuộc vào quốc gia khác để sản xuất UDMH.
Ảnh vệ tinh chụp khu vực nghi là nơi Triều Tiên sản xuất UDMH. Ảnh: New York Times
Báo cáo của CNS được đưa ra dựa vào hình ảnh vệ tinh TP Hamhung, quá trình phân tích các phương pháp sản xuất UDMH, thông tin khai thác từ một quan chức Triều Tiên đào tẩu và các tài liệu về hóa học và kỹ thuật hóa học của Bình Nhưỡng.
Ông Jeffrey Lewis, người đứng đầu chương trình Đông Á của CNS, khẳng định ông đã truy lùng dấu vết hoạt động sản xuất UDMH tại Triều Tiên trong suốt nhiều tuần.
Mặc dù phát hiện mới nêu trên tiết lộ một thông tin quan trọng về chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng, dường như đã quá trễ để Mỹ hành động.
Theo ông Lewis, Triều Tiên nhiều khả năng đã sản xuất đủ lượng UDMH cần thiết cho một cuộc chiến trường kỳ.
Khi được hỏi tại sao Triều Tiên có thể sản xuất UDMH mà không bị các quốc gia khác phát hiện, ông Lewis khẳng định nguyên nhân là các chuyên gia phân tích nước ngoài thường xuyên đánh giá quá thấp Triều Tiên.
"Nếu bạn theo dõi Triều Tiên bằng hình ảnh vệ tinh và đọc những ấn phẩm kỹ thuật của họ, bạn sẽ có cái nhìn hoàn toàn khác về quốc gia này. Chúng ta đã đánh giá quá thấp về Triều Tiên" – ông Lewis chia sẻ.
Bình luận (0)