Khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chạy như con thoi trong tuần qua với nỗ lực thổi sinh khí vào các cuộc thương nghị tẻ nhạt, Thủ tướng Netanyahu không buồn úp mở: “Tôi thấy người Palestine tiếp tục kích động, tiếp tục dựng nên những cuộc khủng hoảng giả, tiếp tục tránh né các quyết định hệ trọng để kiến tạo một nền hòa bình thật sự”.
Chất lượng đàm phán trở nên xấu đi. Theo thông tin rò rỉ, cuộc họp ở Jerusalem hôm 5-11 kết thúc trong tiếng la hét bất bình. Những người Palestine giận dữ trước thông báo về hơn 1.800 căn nhà mới của Israel ở các khu định cư tại Bờ Tây và Đông Jerusalem. Họ và các đồng minh tin rằng ông Netanyahu đang miễn cưỡng lê từng bước chân chậm chạp qua các bàn đàm phán mặc cho cam kết sẵn lòng tìm kiếm hòa bình.
Những diễn biến mới có thể là điềm chẳng lành báo trước lập trường cứng rắn hơn của Israel đối với Palestine và tất nhiên, điều đó đè nặng lên vai ông Kerry - người đã nói không chút dè dặt rằng Mỹ xem các khu định cư là bất hợp pháp.
Mục tiêu đạt đến một thỏa thuận hòa bình trong vòng 9 tháng có vẻ đang rơi vào thế hiểm nghèo. Sự bế tắc dẫn đến đồn đoán Mỹ cần tăng thêm sự can dự và đưa ra kế hoạch chi tiết, nếu không thì phải giảm bớt kỳ vọng và chấp nhận theo đuổi một thỏa thuận tạm thời có giới hạn. Ông Kerry và các phụ tá đã nói “không” với lựa chọn thứ hai. Họ khẳng định mục tiêu đàm phán vẫn là một hiệp ước hòa bình toàn diện.
Hôm 6-11, Ngoại trưởng Mỹ đã nói chuyện với Thủ tướng Israel ở Jerusalem 3 giờ trước khi đến Bethlehem gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Ông Kerry dự kiến quay lại Jerusalem ăn tối với ông Netanyahu và có thể gặp ông Abbas một lần nữa vào ngày sau đó.
Tỏ ra lạc quan, ông Kerry nói với báo Anh The Guardian: “Chúng tôi cần không gian để trao đổi một cách riêng tư, thanh thản và sẽ tiếp tục bàn thảo theo cách đó. Chúng tôi còn 5 tháng trên lịch trình và tin rằng có khả năng đạt được tiến bộ”.
Nhưng chuyện không đơn giản. Việc Avigdor Lieberman - cựu ngoại trưởng Israel và là người nằm trong số những chính khách đối lập có quyền lực nhất Israel - được tuyên bố vô can trong các cáo buộc tham nhũng có thể làm phức tạp thêm tình hình. Là nhân vật trực tính theo chủ nghĩa dân tộc, cộng thêm sự đắc thắng quay lại quyền lực - có thể là vị trí ngoại trưởng một lần nữa - đang thổi cho ông Lieberman một sức mạnh không thể đoán trược. Trước đây, dù không đóng vai trò trực tiếp trong các cuộc hòa đàm nhưng ông Lieberman đã gây nhiều rắc rối cho Thủ tướng Netanyahu khi tố cáo ông Abbas về “chính sách khủng bố ngoại giao”.
Một Netanyahu đã khó, nay lại thêm “diều hâu” Lieberman chắn đường. Không hiểu vị ngoại trưởng 70 tuổi của Mỹ dựa vào điều gì để hy vọng khai thông bế tắc?
Bình luận (0)