Chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Lý Hiển Long tại Trung Quốc thu hút sự quan tâm lẫn hoài nghi của nhiều người dân Singapore. Phần lớn họ, đặc biệt là các doanh nhân, ca ngợi những ý nghĩa tích cực và mang tính xây dựng của chuyến thăm.
Ngược lại, những người hoài nghi tập trung vào sự khác biệt cơ bản giữa lợi ích quốc gia sau một năm đầy ắp sự kiện trong mối quan hệ của hai nước. Dù sao chuyến thăm này và những sự kiện trong năm qua đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự liên lạc hiệu quả giữa Singapore và Trung Quốc.
Bản chất được định chế hóa của quan hệ Singapore - Trung Quốc cho phép hai nước vượt qua những bất đồng, gián đoạn bằng cách làm rõ những mục tiêu chung và nghĩa vụ hợp tác với nhau. Hai bên đã duy trì các cuộc trao đổi cấp cao, như các chuyến thăm chính thức của Trưởng Ban Tổ chức trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Lạc Tế và Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan trong năm nay. Thế nhưng, sự định chế hóa cũng có những hạn chế nhất định trong việc bảo đảm quan hệ Singapore - Trung Quốc tiến triển suôn sẻ hơn.
Một mối quan hệ song phương toàn diện cần những mối quan hệ cá nhân tốt đẹp, được minh chứng rõ qua các cuộc gặp của ông Lý Hiển Long với các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc. Tuy nhiên, một mối quan hệ song phương mạnh mẽ, có thể chịu được thử thách của thời gian và bất đồng, cũng cần có một chiến lược truyền thông tinh vi và khéo léo, cùng với sự hiểu biết sâu rộng về chính sách đối ngoại của nhau, nhằm bảo đảm cả hai bên truyền đạt ý định và thông điệp cho nhau rõ ràng và hiệu quả.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (trái) hôm 20-9Ảnh: MCI
Singapore phải tiếp tục nhấn mạnh với phía Trung Quốc rằng cả hai bên đều phải biết rõ khác biệt sẽ nảy sinh theo thời gian. Sẽ có người hy vọng Trung Quốc vẫn sẵn sàng lắng nghe Singapore, sẵn sàng gia tăng nỗ lực để hiểu rõ Singapore hơn và tiếp tục kiềm chế. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng xảy ra.
Hầu hết nhà quan sát khách quan đều đồng ý rằng có sự thay đổi bất thường trong thái độ của Trung Quốc đối với Singapore, liên quan đến những vấn đề gây cản trở quan hệ song phương trong năm qua, như việc Singapore đưa ra quan điểm rõ ràng về tranh chấp ở biển Đông, nỗ lực chia rẽ ASEAN của Trung Quốc và quan hệ giữa Singapore với Mỹ và Đài Loan.
Thái độ của Trung Quốc có thể được chia thành 3 loại chính: ôn hòa, quyết đoán và cứng rắn. Nhìn lại những chỉ trích gay gắt và phát biểu không hài lòng về Singapore hồi năm ngoái, dường như lập trường cương quyết và cứng rắn đã nhận được sự ủng hộ từ công chúng và giới tinh hoa Trung Quốc khi nói về mối quan hệ với Singapore.
Trong suốt năm 2016 nhiều sự kiện, Singapore đã nỗ lực lặp đi lặp lại vị thế của mình, cũng như kiên nhẫn làm sáng tỏ những cáo buộc dù dường như không ai để tâm. Thách thức ở đây là làm sao nước này cải thiện sự giao tiếp với những người Trung Quốc vốn không được kiên nhẫn cho lắm, cũng như làm sao để người dân trong nước hiểu rõ lập trường của chính phủ.
Các nhà lãnh đạo Singapore, như Lý Quang Diệu và Ngô Khánh Thụy, không phải là học giả về Trung Quốc nhưng họ có kiến thức sâu sắc về Trung Quốc. Quan trọng hơn, họ có nhiều thời gian đưa ra phản ứng thận trọng đối với người Trung Quốc. Họ may mắn bởi người dân khi đó hài lòng với việc để các chuyên gia xử lý chính sách đối ngoại. Thậm chí cựu Bộ trưởng Ngoại giao S Jayakumar cũng nhấn mạnh trong bài phát biểu hồi tháng 6 rằng chính sách đối ngoại không phải là vấn đề lớn trong chính trường thời điểm ông tại vị.
Tuy nhiên, người Singapore ngày nay đã ý thức hơn về chuyện ngoại giao của đất nước cũng như vấn đề địa chính trị khu vực. Ngày càng có nhiều người Singapore bày tỏ quan điểm đối với các vấn đề đối ngoại của đất nước và có thể muốn có tiếng nói trong cách Singapore xử lý vấn đề đối ngoại, nhất là khi lợi ích doanh nghiệp gắn liền với sự hợp tác kinh tế và các dự án ở Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Singapore hiện tại và tương lai phải thấy rõ cần phản ứng nhanh chóng với các vấn đề đối ngoại, chọn lọc và kiểm chứng thông tin, chống lại tin tức giả đồng thời vận động sự ủng hộ của người dân trên mạng xã hội. Đây không phải là việc dễ dàng.
Một biện pháp tiềm năng là cho phép người dân Singapore tăng cường kiến thức về các vấn đề chính sách đối ngoại để căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc không trở nên phức tạp bởi sự bất đồng trong nước về chính sách đối ngoại của chính phủ.
Ngoài ra, sẽ thật hữu ích nếu các nhà lãnh đạo Singapore cũng quan tâm nhiều đến vấn đề truyền thông, không chỉ nói rõ lập trường với phía Trung Quốc mỗi khi bất đồng nảy sinh mà còn với người dân trong nước, những người đang theo dõi xem Singapore thể hiện ra sao trên chính trường thế giới.
(*) Tựa do tòa soạn đặt
Bình luận (0)