Bộ trưởng Bộ Tài chính Áo Hans Jörg Schelling hôm 28-6 cho rằng tình huống Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro (eurozone) lúc này gần như là chuyện không thể tránh khỏi.
Nhận định bi quan này được đưa ra một ngày sau khi bộ trưởng tài chính các nước thành viên eurozone quyết định không gia hạn chương trình cứu trợ cho Hy Lạp, sẽ hết hạn vào ngày 30-6.
Cuộc họp của các bộ trưởng này (gọi là Eurogroup) cũng khước từ đề nghị của Hy Lạp tiếp tục đối thoại 1 tháng nữa sau khi chính phủ Athens rời bỏ cuộc thương lượng vào cuối ngày 26-6, phớt lờ đề nghị cải cách kinh tế nhiều hơn để đổi lấy nhiều tiền cứu trợ hơn.
“Đáng tiếc là, bất chấp nỗ lực ở mọi cấp độ và sự ủng hộ hoàn toàn của Eurogroup, đề xuất này đã bị nhà chức trách Hy Lạp bác bỏ” - tuyên bố của Eurogroup khẳng định.
Người dân Hy Lạp xếp hàng trước các máy ATM bên ngoài một chi nhánh Ngân hàng Quốc gia ở Athens
ngày 28-6. Ảnh: REUTERS
Phản ứng trước quyết định trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp Gianis Varoufakis cho rằng uy tín của eurozone chắc chắn sẽ bị tổn hại. Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nhấn mạnh những đòi hỏi cải cách thị trường lao động; cắt giảm lương hưu và lương khu vực công; tăng thuế thực phẩm, nhà hàng và ngành du lịch từ phía các chủ nợ chẳng qua là nỗ lực hạ nhục nhân dân Hy Lạp.
Sau nhiều tuần đàm phán, Thủ tướng Tsipras tuyên bố ông không thể chấp nhận các điều khoản do châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra, đồng thời nhấn mạnh sẽ khuyên người dân bỏ phiếu chống trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 5-7 tới sau khi quốc hội Hy Lạp bật đèn xanh cho kế hoạch này hôm 28-6.
Tuy nhiên, báo Greek Reporter cùng ngày đưa tin các cuộc thăm dò mới nhất ở Hy Lạp cho thấy đa số người dân nước này khẳng định sẽ bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới.
Ông C. J. Polychroniou, một chuyên gia về kinh tế chính trị tại Viện Kinh tế học Levy thuộc Trường Cao đẳng Bard (Mỹ), nhận định rằng động thái kêu gọi tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của Hy Lạp trong khoảng thời gian ngắn như vậy phải được xem là một công cụ chính trị, là cách thức chính phủ Athens áp dụng nhằm cất đi gánh nặng áp lực khỏi đôi vai của mình.
Ông Polychroniou mỉa mai nhận xét các chính khách Hy Lạp lâu nay đã quen với việc đặt quyền lợi chính trị của riêng họ lên trên quyền lợi quốc gia và các quan chức chính phủ hiện nay không phải là trường hợp ngoại lệ.
Ông Polychronio cũng đặt vấn đề: Điều gì sẽ xảy ra nếu phần lớn người dân Hy Lạp bỏ phiếu thuận, giống như kết quả các cuộc thăm dò ý kiến mới đây? Phải chăng lúc đó chính phủ Athens sẽ chấp nhận bất cứ điều khoản cứu trợ nào từ phía các chủ nợ?
Báo The Telegraph (Anh) đánh giá việc tiến hành trưng cầu dân ý là chiến lược đầy rủi ro của Thủ tướng Tsipras, đồng thời nhắc lại rằng cách đây 4 năm, thủ tướng Hy Lạp lúc đó là ông George Papandreou đã bị mất chức vì đề nghị tổ chức cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến người dân về gói giải cứu.
Khi đó, chính ông Tsipras đã cảnh báo nếu thực hiện cuộc trưng cầu dân ý, quyết định đó sẽ khiến hệ thống ngân hàng Hy Lạp sụp đổ (do người dân đổ xô đi rút tiền), kéo theo nền kinh tế nước này bị suy sụp. Vì thế, trang tin Bloomberg cho rằng nếu người dân Hy Lạp ủng hộ đề xuất của các chủ nợ, điều đó sẽ dẫn đến một cuộc bầu cử bất ngờ ở nước này.
Chẳng bao lâu sau khi Thủ tướng Tsipras thông báo về cuộc trưng cầu dân ý, người dân Hy Lạp với tâm trạng đầy lo lắng đã xếp hàng dài trước các máy ATM để rút tiền vì e sợ rằng các ngân hàng nước này có thể sẽ không thể mở cửa lại sau ngày nghỉ cuối tuần. Theo đài CNN, hàng tỉ euro đã được rút ra trong vài tuần qua khi cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp trở nên nặng nề hơn.
Bình luận (0)