Trước đó cùng ngày, chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố lệnh trừng phạt 7 quan chức cấp cao cùng 14 thực thể Nga bị quy kết liên quan đến vụ chính trị gia đối lập Alexei Navalny bị nghi đầu độc hồi tháng 8 năm ngoái. Hãng tin AP cho biết cộng đồng tình báo Mỹ tin rằng Cơ quan An ninh Liên bang Nga đã sử dụng chất độc thần kinh Novichok để đầu độc ông Navalny song Moscow phủ nhận hoàn toàn.
Kênh Sputnik dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov hôm 2-3 khẳng định sẽ đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ lẫn Liên minh châu Âu (EU). Cùng với Mỹ, EU cũng cấm đi lại và đóng băng tài sản tại châu Âu của 4 quan chức an ninh cấp cao Nga.
Chính trị gia đối lập của Nga, ông Alexei Navalny, ra tòa ở Moscow hôm 20-2 Ảnh: REUTERS
Đòn trừng phạt nêu trên được cho là bước đầu tiên của một loạt hành động mà chính quyền ông Biden sẽ thực hiện nhằm vào Nga. Bên cạnh vụ Navalny, Washington còn lên kế hoạch đáp trả vụ tấn công mạng lớn nghi do Nga thực hiện đối với các cơ quan liên bang và doanh nghiệp tư nhân của Mỹ, theo Reuters. "Chúng tôi dự báo quan hệ với Nga sẽ tiếp tục là một thách thức. Chúng tôi không có ý định tái định hình quan hệ với Nga và cũng không muốn leo thang căng thẳng" - bà Jen Psaki, thư ký báo chí Nhà Trắng, cho biết.
Bình luận của bà Psaki báo hiệu chính quyền ông Joe Biden sẽ không đi theo con đường mà những người tiền nhiệm đã đi, bao gồm lối tiếp cận thân thiện của ông Donald Trump lẫn mong muốn "tái khởi động" quan hệ Mỹ - Nga của ông Barack Obama. Theo báo Washington Post, ông Joe Biden từng nói sẽ vừa đối đầu với Tổng thống Nga Vladimir Putin về những hành động có hại cho Mỹ và đồng minh lẫn tìm cách hợp tác với Moscow trong các lĩnh vực kiểm soát vũ khí, biến đổi khí hậu…
Bình luận (0)