Cuộc thử nghiệm bom nhiệt hạch (bom H) của Triều Tiên hôm 3-9 là vấn đề nghiêm trọng đối với Mỹ. Một quả bom như thế, nếu được sử dụng trong cuộc tấn công, có thể quét sạch một thành phố như New York. Một vụ nổ bom H trên bầu trời thung lũng Silicon (bang California) sẽ làm tê liệt toàn bộ hoạt động của các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Facebook và Google. Và Bình Nhưỡng sẽ sớm có phương tiện để thực hiện các cuộc tấn công như vậy.
Mỹ cho đến nay vẫn thất bại trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Đã 11 năm kể từ khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Triều Tiên sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên. Kể từ đó, Bình Nhưỡng không ngừng cải thiện khả năng tấn công hạt nhân của mình.
Những phản ứng gần đây của Washington đối với các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên rõ ràng cho thấy Mỹ không lường trước một kết quả như thế và hoàn toàn không có sự chuẩn bị nào để đối phó với tình hình hiện nay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump không ít lần đe dọa chính quyền Triều Tiên. Tuy nhiên, một cuộc tấn công thông thường hoặc tấn công hạt nhân không phải là lựa chọn thực tế của Washington. Hàn Quốc và Nhật Bản, các đồng minh của Mỹ trong khu vực, sẽ không chấp nhận Washington làm thế bởi họ sẽ trở thành nạn nhân trực tiếp của bất kỳ cuộc tấn công trả đũa nào (của Triều Tiên). Và nếu Mỹ chọn cách gây áp lực thông qua các biện pháp trừng phạt lên Triều Tiên và chờ đợi tác động hiệu quả từ chúng thì Bình Nhưỡng sẽ có thêm thời gian để hoàn thiện tên lửa của mình.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (giữa) bày tỏ vui mừng về vụ thử tên lửa Hwasong-12 tầm trung hôm 15-9 Ảnh: KCNA
Triều Tiên muốn đàm phán về một hiệp ước hòa bình, kèm theo bảo đảm rằng các biện pháp trừng phạt sẽ được dỡ bỏ. Nhưng đó không phải là tất cả; Triều Tiên muốn được cộng đồng quốc tế công nhận là một quốc gia hạt nhân. Các quan chức Triều Tiên dẫn ví dụ Pakistan đã được Mỹ công nhận là một quốc gia hạt nhân.
Vì vậy, trong các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng, Washington sẽ phải từ bỏ yêu cầu của mình về một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân. Thay vào đó, hai bên có thể đàm phán về việc hạn chế kho vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, đây là điều Seoul và Tokyo không thể chấp nhận được.
"Trò chơi nước đôi" của Trung Quốc cũng khiến chính quyền ông Donald Trump bất mãn. Washington đang dựa vào Bắc Kinh để thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhằm vào Triều Tiên. Nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại đang theo đuổi các mục tiêu của riêng mình. Đề xuất cấm vận dầu mỏ ở Triều Tiên không được Trung Quốc tán đồng. Thêm nữa, Bắc Kinh muốn làm suy yếu ảnh hưởng của Washington ở Đông Á. Chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng được xem là khá có ích cho Bắc Kinh trong việc chống lại liên minh giữa Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong khi đó, Nga cũng không hoàn toàn là một nước trung lập trong cuộc xung đột với Triều Tiên. Không thể phớt lờ nhận định rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn làm bẽ mặt Mỹ.
Sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ tên lửa Triều Tiên làm gia tăng nghi ngờ về sự trợ giúp từ Nga mặc dù không có bằng chứng chắc chắn về điều này. Trong bất kỳ trường hợp nào, sự cân bằng quyền lực đã thay đổi ở vùng Viễn Đông cho thấy tầm quan trọng của Nga trong khu vực. Việc Moscow nhấn mạnh sự cần thiết của đàm phán là hơn tăng cường trừng phạt phù hợp với vai trò này của Nga.
Nhìn từ bất kỳ góc độ nào, Mỹ là kẻ thua cuộc chính trong cuộc xung đột hiện nay với Triều Tiên. Những bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Triều Tiên trên mạng xã hội Twitter cho thấy điều này.
Washington nên tìm kiếm một nước thật sự trung lập để làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột với Bình Nhưỡng, chẳng hạn như Thụy Điển hoặc Đức. Tuy nhiên, biện pháp này sẽ đòi hỏi một mức độ chín chắn cao ở Washington - điều vẫn còn thiếu cho đến giờ.
Bình luận (0)