Họ đánh bắt cho các tàu môi giới Trung Quốc, thường được gọi là "tàu mẹ", để đổi lấy tiền bạc hay thậm chí là một số sản phẩm như thuốc lá, theo các thương gia trên tàu. Một thương gia tự xưng là Du cho biết hải sản sau đó sẽ được chuyển vào trong đất liền Trung Quốc và bán ở các chợ sỉ.
Theo Bloomberg, hoạt động đánh bắt hải sản nêu trên là một hình thức buôn lậu dọc biên giới khu vực Trung Quốc-Triều Tiên dài 1.350 km.
Dân địa phương sử dụng thuyền, xe hơi, xe tải và tàu hỏa để vận chuyển mọi thứ từ dầu diesel đến tằm hay điện thoại qua lại sông Yalu.
Hoạt động thương mại diễn ra tại khu vực cho thấy những khó khăn mà giới chức Trung Quốc đang gặp phải trong cam kết thực hiện nghiêm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đối với Triều Tiên.
Là một đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, Trung Quốc đang hứng chịu sức ép từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vấn đề kiềm chế chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, chủ yếu thông qua các biện pháp trừng phạt nhắm vào kinh tế.
Ngư dân Triều Tiên và Trung Quốc săn bắt hải sản và bán cho các tàu môi giới Trung Quốc, thường được gọi là tàu mẹ. Ảnh: Bloomberg
Với Trung Quốc, việc thực hiện lệnh trừng phạt Triều Tiên là một vấn đề không đơn giản. Bắc Kinh muốn Triều Tiên ngưng các hành động khiêu khích có thể khiến Mỹ gia tăng lực lượng phòng ngự trong khu vực có thể được dùng để chống lại Trung Quốc. Cùng lúc, giới chức Trung Quốc lo ngại chính quyền Triều Tiên sụp đổ, kéo theo tình trạng bất ổn tại khu vực Đông Bắc Trung Quốc và dẫn đến việc triển khai binh lính Mỹ đến khu vực sông Áp Lục.
LHQ hôm 11-9 thông qua lệnh trừng phạt mới chống lại Triều Tiên liên quan đến vụ thử nghiệm hạt nhân lần 6. Giới chức Mỹ khẳng định lệnh trừng phạt mới cùng với các biện pháp trừng phạt trước đó sẽ cắt giảm 90% sản phẩm xuất khẩu của Triều Tiên.
Trong khi đó, lệnh cấm hải sản Triều Tiên được thông qua vào tháng trước và thực hiện vào hôm 5-9 sẽ cắt giảm khoảng 300 triệu USD thu nhập mỗi năm của Triều Tiên.
Tuy nhiên, các cuộc phỏng vấn vào tuần rồi với hàng chục thương gia, chủ cửa hàng bán sỉ, cựu quan chức địa phương và các nhà ngoại giao nước ngoài...cho thấy hải sản tươi của Triều Tiên vẫn xuất hiện tại Trung Quốc mặc dù Bắc Kinh đã tăng cường thực thi lệnh trừng phạt.
Một số nhà hàng ở thị xã Hồn Xuân, tỉnh Cát Lâm – Trung Quốc vẫn phục vụ cua và ốc xà cừ Triều Tiên. Những mặt hàng này khó kiếm hơn nhưng không phải là không có, Bloomberg dẫn lời một chủ cửa hàng hải sản họ Lyu cho biết.
Tình hình cũng tương tự ở Đan Đông, thành phố lớn nhất của Trung Quốc dọc biên giới Triều Tiên và cũng là trung tâm thương mại của đại lục với Triều Tiên.
Ở Dong Sheng, chợ hải sản chính của Đan Đông, 4 thương gia khẳng định vào tuần trước rằng họ vẫn có thể cung cấp mặt hàng nghêu lụa nổi tiếng của Triều Tiên mặc dù nguồn cung đã giảm. Thương gia Ha Wei, 38 tuổi, cho biết giá cả nghêu lụa đã tăng 20% lên 30 nhân dân tệ (4,6 USD)/500 gr kể từ khi lệnh trừng phạt được thực thi.
Bình luận (0)