Theo cuộc khảo sát công bố hôm 12-9 của Công ty Gallup (Mỹ), Cộng hòa Trung Phi (CAR) - nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề vì xung đột - là quốc gia bất hạnh nhất thế giới vào năm ngoái, xếp trên là Iraq và Nam Sudan.
Ông Mohamed Younis, quản lý của nhóm nghiên cứu, viết trong báo cáo: "Nhìn chung, thế giới hiện nay ngày càng căng thẳng, lo lắng, buồn bã và đau đớn hơn chúng ta từng chứng kiến".
Cuộc khảo sát vừa công bố của Gallup được tiến hành trên hơn 154.000 người ở 146 quốc gia. Dẫn đầu các khu vực bất hạnh là châu Phi hạ Sahara, có 24/35 nước được khảo sát có chỉ số hạnh phúc thấp nhất 10 năm qua, với nguyên nhân do tình trạng bất ổn làm tê liệt hệ thống chăm sóc sức khỏe và dẫn đến nạn đói.
Các nước giàu hơn cũng không tránh khỏi không khí ảm đạm này. Khoảng 1/2 người Mỹ được hỏi cho hay họ cảm thấy cuộc sống căng thẳng, gần bằng số người có câu trả lời tương tự ở CAR. Nhà kinh tế học Jan-Emmanuel De Neve cảnh báo "thật khó chịu" khi chứng kiến tâm trạng thế giới đi xuống trong khi của cải và tiến bộ vật chất không ngừng đi lên.
Một gia đình ở Cộng hòa Trung Phi sơ tán đến khu vực phía Đông Cameroon để tránh xung đột Ảnh: IPS
Thời tiết cực đoan bị cho là một trong những nguyên nhân hàng đầu góp phần làm tình trạng tồi tệ hơn. Theo báo cáo thường niên "Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới" của Liên Hiệp Quốc hôm 11-9, thời tiết cực đoan như nhiệt độ cao, hạn hán, lũ lụt diễn ra thường xuyên khiến số người bị suy dinh dưỡng tăng lên 821 triệu người vào năm ngoái (so với 804 triệu người của năm 2016).
Đặc biệt, các nước có thu nhập thấp và trung bình bị ảnh hưởng nặng nề bởi khí hậu cực đoan. Trong đó, châu Phi chịu tác động nặng nhất về vấn đề an ninh lương thực và suy dinh dưỡng, với 59 triệu người ở 24 quốc gia cần cứu trợ khẩn cấp. Xu hướng này cũng đang xấu đi ở khu vực Nam Mỹ.
Các nhà khoa học cho rằng tình trạng nóng lên toàn cầu đang thúc đẩy tần suất và mức độ nghiêm trọng của các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Cũng theo báo cáo, ở những nước cùng lúc hứng chịu xung đột và thời tiết cực đoan, mối đe dọa lên an ninh lương thực còn thảm khốc hơn. Gần 66 triệu người trên toàn thế giới cần được cứu trợ nhân đạo khẩn cấp hồi năm ngoái.
Bình luận (0)