Theo Đài BBC, một số trong đoàn xe 287 chiếc đã dừng lại ở một căn cứ quân sự tại Voronezh, cách Moscow khoảng 500 km về phía Nam, trong đêm 13-8. Một số khác được cho là tiếp tục tiến xuống phía Nam.
Tin đồn về địa điểm đoàn xe đi vào Ukraine bắt đầu lan nhanh hôm 13-8. Có thông tin đó là cửa khẩu Shebekino gần TP Kharkov của Urkaine, sau đó đi tiếp về phía Nam để đến gần Luhansk, theo báo The New York Times (Mỹ).
Hình ảnh "chế" về đoàn xe viện trợ của Nga trên mạng xã hội Twitter. Nguồn: Daily Mail
Nếu đúng vậy, đoàn xe sẽ xâm nhập Ukraine bất chấp cảnh báo của Kiev và không bị Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) kiểm tra. Trước đó, hôm 12-8, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Moscow chấp nhận các điều kiện của Kiev, bao gồm hàng cứu trợ phải đi qua chốt kiểm soát biên giới do Kiev kiểm soát và có quan chức ICRC kiểm tra.
Người phát ngôn của tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, khẳng định sứ mệnh nhân đạo này đang diễn ra trong sự hợp tác với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC). Tuy nhiên, ngoài việc xác nhận đoàn xe đang di chuyển bên trong nước Nga, ông Peskov không cho biết về lộ trình chính xác.
Trong cuộc họp báo ngày 13-8, người phát ngôn Andre Loersch nói ICRC cũng không biết lộ trình cuối cùng của đoàn xe. “Tôi cố tìm hiểu thông tin nhưng vẫn chưa biết chính xác địa điểm cuối cùng” – ông Loersch nói và cho biết thêm ICRC đã nhận được danh sách tổng thể hàng cứu trợ của Nga. Sau khi có danh sách chi tiết hơn, ICRC sẽ bắt đầu bàn nên vận chuyển và phân phối như thế nào.
Phía Ukraine, Liên minh châu Âu và Mỹ đều lo ngại Nga có thể dùng hàng viện trợ để che đậy việc đưa quân vào lãnh thổ láng giềng. Cách đây mấy ngày, Kiev cáo buộc Nga đang tập trung đến 45.000 quân gần biên giới 2 nước.
Hôm 13-8, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond kêu gọi Nga thông báo ngay lập tức các món hàng cứu trợ và tôn trọng nguyên tắc trung lập của ICRC. Cùng ngày, Kiev tỏ ra nhượng bộ khi văn phòng Tổng thống Petro Poroshenko cho hay đoàn xe sẽ được nhập cảnh với điều kiện quan chức Ukraine và quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) kiểm tra hàng hóa trước. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Lavrov trước đó bác bỏ ý kiến dỡ hàng hóa xuống kiểm tra vì làm vậy là không thực tế và quá tốn kém.
Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc cho hay số người thiệt mạng đã tăng cao ở Ukraine trong 2 tuần qua. Tổng cộng, ít nhất đã có 2.086 người thiệt mạng kể từ giữa tháng 4 khi quân đội Ukraine bắt đầu chiến dịch quân sự ở miền Đông.
Bình luận (0)