"Các thành viên của HĐBA LHQ thể hiện quan ngại sâu sắc về tình hình xấu đi nhanh chóng và mạnh mẽ lên án việc sử dụng bạo lực chống lại người biểu tình ôn hoàn, cũng như cái chết của hàng trăm dân thường, trong đó có phụ nữ và trẻ em" – HĐBA LHQ nhấn mạnh trong tuyên bố do Anh khởi xướng, được thông qua vào ngày 1-4 sau cuộc họp kéo dài.
Theo một đại sứ giấu tên, việc HĐBA LHQ có thể ra tiếng nói chung về tình hình ở Myanmar đã gửi "một tín hiệu rất quan trọng".
Trước đó 1 ngày, đặc phái viên LHQ về Myanmar kêu gọi tiến hành các hành động mạnh mẽ nhằm vào quân đội Myanmar, đồng thời cảnh báo nguy cơ nội chiến đẫm máu tại quốc gia Đông Nam Á này.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, tổng số người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Myanmar đã vượt mốc 500 người. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, luật sư của nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi hôm 1-4 cho biết bà bị cáo buộc vi phạm luật bí mật nhà nước có từ thời thuộc địa. Nếu bị kết tội, bà có thể ngồi tù 14 năm.
Theo luật sư Khin Maung Zaw, bà Suu Kyi cùng 3 bộ trưởng bị lật đổ và cố vấn kinh tế người Úc bị bắt giữ, ông Sean Turnell, bị cáo buộc tội danh nêu trên trong phiên tòa hồi tuần rồi ở TP Yangon. Luật sư Maung Zaw còn cho biết thêm rằng ông biết được điều này cách đây 2 ngày.
"Bà Suu Kyi yêu cầu một cuộc họp riêng giữa bà và các luật sư để ra chỉ thị cho các luật sư, cũng như để thảo luận mà không bị cảnh sát và lực lượng vũ trang can thiệp" – ông Maung Zaw nói.
Lãnh đạo dân sự Myanmar Aung San Suu Kyi đối mặt với nhiều cáo buộc từ chính quyền quân sự, trong đó có vi phạm luật bí mật nhà nước. Ảnh: EPA
Ông Min Min Soe, một luật sư khác của bà Suu Kyi, cho biết bà và Tổng thống U Win Myint dường như đều trong tình trạng sức khỏe tốt.
Phiên tòa tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 12-4, theo Reuters. Cáo buộc trong phiên tòa hôm 1-4 là cáo buộc nghiêm trọng nhất nhằm vào bà Suu Kyi. Trước đó, chính quyền quân sự Myanmar đã cáo buộc bà về những tội danh nhỏ, như nhập khẩu trái phép thiết bị liên lạc và vi phạm quy tắc phòng chống Covid-19.
Bình luận (0)