Nga từng lên tiếng biện hộ việc sáp nhập Crimea với lập luận rằng Moscow có quyền bảo vệ người nói tiếng Nga bên ngoài lãnh thổ mình. Chính vì vậy, việc đề cập đến những căng thẳng về ngôn ngữ ở một quốc gia khác từng thuộc Liên Xô trong thời điểm này là vô cùng nhạy cảm.
Một nhà ngoại giao Nga đã phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc ở Geneva rằng Nga hoàn toàn ủng hộ việc bảo vệ các quyền về ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số. Ông nói: “Không nên sử dụng ngôn ngữ để phân biệt và cô lập những nhóm người thiểu số. Nga đang lo ngại trước những bước đi về ngôn ngữ ở Estonia cũng như Ukraine".
Người dân ở Crimea ủng hộ sáp nhập vào Nga. Ảnh: AP
Trong bối cảnh khủng hoảng ở Crimea đang leo thang, Estonia, Latvia và Lithuania đã bày tỏ lo ngại về những ý định của Nga. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện đang có chuyến công du Lithuania nhằm cam đoan với 3 nước nói trên về sự ủng hộ của Mỹ, Liên minh châu Âu và NATO.
Tại cuộc họp nói trên, đại diện Ukraine cho biết các chuyên gia Liên Hiệp Quốc không tìm thấy bất kỳ bằng chứng đáng tin cậy nào về việc nước này ngược đãi cộng đồng người Nga như cáo buộc của Moscow. Không những thế, quan chức này còn bày tỏ lo ngại về nguy cơ những cộng đồng người Ukraine, Tatar và những nhóm thiểu số khác ở Crimea sẽ bị ngược đãi sau khi nước cộng hòa này sáp nhập vào Nga.
Đáp lại, đại diện phái đoàn Nga khẳng định không hề có sự ngược đãi nào nhằm vào những nhóm người thiểu số ở Crimea và quyền lợi của họ cũng không bị xâm phạm.
Bình luận (0)