xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kích hoạt “bom tấn” trốn thuế

HOÀNG PHƯƠNG

Hơn 214.000 công ty bình phong tại hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ được nhắc đến trong 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ

Chính trường thế giới đang chấn động trước vụ rò rỉ thông tin lớn nhất từ trước đến giờ, qua đó phanh phui nhiều nhân vật quyền lực và lắm tiền nhiều của đang che giấu tài sản để trốn thuế.

Phá tan bức màn bí mật

Cách đây một năm, một nguồn tin nặc danh bắt đầu cung cấp cho báo Süddeutsche Zeitung (SZ - Đức) hơn 11,5 triệu tài liệu nội bộ (email, tài khoản ngân hàng, thông tin về khách hàng…) của Công ty Luật Mossack Fonseca (Panama). Sau đó, SZ cùng Hiệp hội Quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ) và hơn 100 tổ chức truyền thông tại 78 nước bắt tay phân tích số dữ liệu nhận được trước khi kích hoạt “bom tấn” nói trên hôm 3-4.

Ông Gerard Ryle, Giám đốc ICIJ, cho biết số tài liệu được gọi là “Hồ sơ Panama” này đề cập hoạt động mỗi ngày của Mossack Fonseca từ năm 1977 đến tháng 12-2015. Nhờ vậy, chúng giúp người ta biết nhiều hơn đến “một trong những công ty bí mật nhất thế giới”, theo mô tả của đài BBC. Công ty này ra đời năm 1977, hiện có hơn 500 nhân viên tại hơn 40 văn phòng khắp thế giới, trong đó có 3 ở Thụy Sĩ và 8 ở Trung Quốc.

Không nhiều người biết rõ công ty này làm gì, chỉ biết họ chuyên hoạt động trong lĩnh vực quản lý vốn, tài sản và giúp khách hàng lập công ty bình phong (đặt ở nước ngoài, thường liên quan đến các thiên đường trốn thuế). Sự xuất hiện của “Hồ sơ Panama” giúp phá tan bức màn bí mật này. Đài BBC cho biết những gì được tiết lộ cho thấy Mossack Fonseca đã giúp khách hàng rửa tiền, tránh lệnh trừng phạt và trốn thuế ra sao. Trong số khách hàng của công ty có ít nhất 200 chính trị gia, thành viên nhiều tổ chức mafia, các ngôi sao thể thao, 350 ngân hàng lớn và hàng trăm ngàn công dân…

Những thủ đoạn cũng bị phơi bày, trong đó phổ biến nhất là thông qua công ty bình phong. Bản thân việc sở hữu một công ty loại này không phải là bất hợp pháp nhưng cơ cấu hoạt động của nó thường được dùng cho những giao dịch trái phép, như trốn thuế và rửa tiền. SZ chỉ rõ mục tiêu chính của Mossack Fonseca là che giấu danh tính thật sự của chủ sở hữu các công ty bình phong. Hơn 214.000 công ty bình phong tại hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ được nhắc đến trong số tài liệu, qua đó cho thấy quy mô “khủng” của những hành động mờ ám bị cáo buộc.

Ngoài ra, theo BBC, Mossack Fonseca còn cung cấp những dịch vụ tài chính được thiết kế để giúp khách hàng doanh nghiệp che giấu tài sản của mình. Một khách hàng trong số này, triệu phú Mỹ Marianna Olszewski, được đề nghị làm giả giấy tờ sở hữu để che giấu tiền - một hành động vi phạm các quy định quốc tế về chống rửa tiền và trốn thuế.

img

Ông Ramon Fonseca biện hộ cho Công ty Mossack Fonseca sau khi “Hồ sơ Panama” được công bố Ảnh: Reuters, TVN
Ông Ramon Fonseca biện hộ cho Công ty Mossack Fonseca sau khi “Hồ sơ Panama” được công bố Ảnh: Reuters, TVN

Bề nổi của tảng băng

Mossack Fonseca phản ứng mạnh mẽ trước vụ rò rỉ tài liệu mà họ gọi là “hành vi phạm tội nghiêm trọng” và “xâm phạm sự riêng tư” của người khác. Công ty này thừa nhận cơ sở dữ liệu họ đã bị tấn công nhưng khoe họ chưa từng bị buộc tội hoặc cáo buộc làm gì sai kể từ khi thành lập. Ông Ramon Fonseca, giám đốc công ty, cho Reuters biết phần lớn trong số 240.000 công ty mà họ thành lập được sử dụng “cho những mục đích hợp pháp”.

Sự xuất hiện của “Hồ sơ Panama” khiến Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson đối mặt lời kêu gọi từ chức. Ông này bị cáo buộc dùng một công ty bình phong để che giấu hàng triệu USD đầu tư vào các ngân hàng trong nước. Trong khi đó, nhà chức trách thuế Úc hôm 4-4 cho Reuters biết họ đã cùng lực lượng cảnh sát liên bang mở cuộc điều tra khoảng 800 người giàu có là khách hàng của Mossack Fonseca. New Zealand, Ấn Độ, Pháp, Áo và Hà Lan có động thái tương tự.

Tổng thống Panama Juan Carlos Varela cam kết chính phủ ông sẽ hợp tác “chặt chẽ” với bất kỳ cuộc điều tra nào xuất phát từ số tài liệu bị rò rỉ. Riêng ICIJ cho biết chính phủ Mỹ đang tìm kiếm bằng chứng về ít nhất 33 cá nhân, công ty bị nghi tham gia các hoạt động buôn lậu ma túy ở Mexico, giao dịch với các tổ chức bị xem là khủng bố và những nước đang bị cộng đồng quốc tế trừng phạt...

Không dừng lại ở đó, nhiều chuyên gia cảnh báo về những hậu quả tài chính, chính trị nghiêm trọng từ vụ rò rỉ. Ông Ian Bremmer, Chủ tịch Công ty Tư vấn Eurasia, nhận định với đài CNBC rằng vụ “Hồ sơ Panama” sẽ gây nhiều bất ổn hơn, kể cả xung đột chính trị, so với những gì cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden tiết lộ về hoạt động do thám toàn cầu năm 2013. “Đây là loại thông tin có thể dẫn đến bạo lực bởi nó đe dọa giới lãnh đạo và chế độ tại một số nước” - ông Bremmer nói.

Dù vậy, chuyên gia này cũng dự báo “Hồ sơ Panama” sẽ dẫn đến sự siết chặt các quy định trong ngành công nghiệp tài chính. “Những gì tiết lộ chỉ mới là bề nổi của tảng băng. Chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều thông tin được công bố và chúng sẽ gây sức ép lên chính phủ những nước liên quan” - ông Bremmer nhận định thêm. Ngoài ra, giới phân tích cho rằng những vụ rò rỉ như thế có lợi cho xã hội vì chúng giúp bảo đảm bất kỳ ai, kể cả giới lãnh đạo, phải chịu trách nhiệm vì những hành động sai trái, nếu có, của mình.

Những cái tên nổi bật

Đài BBC thống kê ít nhất 72 đương kim hoặc cựu lãnh đạo nhiều nước bị nhắc tên trong “Hồ sơ Panama”, như Tổng thống Argentina Mauricio Macri, Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi… Một số người trong số họ, như Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, Quốc vương Ả Rập Saudi Salman bin Abdulaziz Al Saud… “kiểm soát” công ty bình phong ở nước ngoài. Riêng Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko có công ty ở nước ngoài quản lý nhiều tài sản bao gồm một hãng sản xuất bánh kẹo châu Âu.

Một số nhà lãnh đạo khác có người thân hoặc phụ tá bị nêu tên. Chẳng hạn, cha của Thủ tướng Anh David Cameron và con trai Thủ tướng Malaysia Najib Razak sở hữu công ty bình phong. Trong khi đó, 3 người con của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif làm sếp các công ty quản lý bất động sản ở Anh. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev có vợ con và chị gái sở hữu các công ty ở nước ngoài, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như khai thác vàng, bất động sản... Chính trường Anh còn bị hoen ố sau khi 3 cựu nghị sĩ, 6 thượng nghị sĩ cùng hàng chục nhà tài trợ các chính đảng bị tố cất tài sản ở nước ngoài.

Một số nhân vật tiếng tăm trong làng bóng đá thế giới cũng dính líu, trong đó nổi bật là Lionel Messi. Siêu sao này và cha bị tố lập Công ty Mega Star Enterprises để trốn thuế (cả hai từng ra tòa tại Barcelona). Cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) Michel Platini bị cáo buộc nhờ Công ty Luật Mossack Fonseca giúp quản lý một công ty ở nước ngoài được thành lập tại Panama vào năm 2007.

29 tỉ phú trong danh sách những người giàu nhất của tạp chí Forbes và ngôi sao điện ảnh võ thuật Thành Long cũng bị nhắc đến.

Xuân Mai

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo