Cúp điện, kẹt trong thang máy, bạn làm gì? Giơ điện thoại lên và… chụp hình. Có gì lạ đâu, cả năm nay người ta chẳng làm thế là gì!
Mọi lúc mọi nơi
Trong lúc leo lên một vách đá cao 1.000 m ở Oman đầu năm 2013, sợi dây leo núi bị cắt làm đôi vì đá sắc cạnh, Jimmy Chin - nhiếp ảnh gia tạp chí National Geographic - đã làm điều mà nhiều người khác cũng chọn làm trong hoàn cảnh này: Chụp ảnh “tự sướng”.
Giáo hoàng Francis cũng chụp ảnh “tự sướng” cùng nhiều thanh thiếu niên ở Vatican. Gần đây hơn, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron và nữ Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt đã hứng sóng gió khi tươi cười chụp hình bằng điện thoại tại lễ tưởng niệm cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.
Phi hành gia Mike Hopkins trong tấm ảnh “tự sướng đỉnh cao” với trái đất làm nền
Ảnh: NASA
Tuy nhiên, tấm hình được mệnh danh “tự sướng đỉnh cao” không được chụp trên trái đất. Nó do phi hành gia người Mỹ Mike Hopkins, 45 tuổi, chụp lại trong lúc sửa chữa Trạm Không gian quốc tế (ISS) vào đêm Giáng sinh vừa qua. Trong hình, trái đất xanh xinh đẹp là hậu cảnh, còn đồng nghiệp Rick Mastracchio phản chiếu trên mũ của ông Hopkins.
Tấm ảnh chân dung mà tàu thám hiểm sao Hỏa Curiosity tự chụp trên hành tinh đỏ cũng trở thành một trong những “hình tự sướng vĩ đại nhất” lịch sử công nghệ. Ngoài việc nghiên cứu khí quyển sao Hỏa, Curiosity còn thường xuyên tự chụp chân dung để NASA đánh giá tình trạng con tàu trong sứ mạng kéo dài 2 năm.
Bàn tay của mạng xã hội
“Selfie: danh từ, không trang trọng. Một bức ảnh được một người tự chụp, thường bằng điện thoại di động hoặc webcam và tải lên mạng xã hội” - đó là định nghĩa của từ điển Oxford về ảnh “tự sướng” khi chọn nó làm “từ của năm 2013”. Suốt năm ngoái, số lượt dùng từ “selfie” tăng vọt đến 17.000%, mức sử dụng trung bình khoảng 150 triệu lần/tháng. Chưa một từ nào tung hoành dữ dội như “selfie” trong năm 2013.
“Selfie” thực tế không phải là từ mới. Nó xuất hiện lần đầu trên một diễn đàn của Úc vào năm 2002. Chụp hình “tự sướng” lại càng không mới. Tấm hình đầu tiên kiểu này được cho là do nhà hóa học người Mỹ Robert Cornelius chụp vào năm 1839. Song, phải tới năm 2013, ảnh “tự sướng” mới lên ngôi nhờ sự bùng nổ của mạng xã hội và điện thoại thông minh.
Các nhà tâm lý cho rằng ý niệm coi bản thân là trung tâm đứng sau hiện tượng thú vị này. Ngoài ra, ảnh “tự sướng” còn thể hiện nhu cầu kết nối, quảng bá hình ảnh và tự tin khẳng định bản thân.
Dĩ nhiên, cái gì quá đáng cũng không tốt. Không lâu sau công bố của từ điển Oxford, Đại học Lake Superior ở bang Michigan - Mỹ cũng thông báo danh sách hằng năm lần thứ 39 về những từ nên bị cấm, đầu bảng là “selfie”! Lý do nên cấm những từ này là chúng đã bị dùng sai, dùng quá nhiều hoặc chỉ đơn giản là chả dùng để làm gì.
Những khoảnh khắc đau buồn
Không phải ảnh “tự sướng” nào cũng là khoảnh khắc vui vẻ và hài lòng. Có một bức ảnh gây tranh cãi dữ dội khi được đăng trên trang nhất tờ New York Post: Một phụ nữ trẻ chụp ảnh “tự sướng” trên cầu Brooklyn ở New York - Mỹ và làm nền cho cô là… một người sắp nhảy cầu tự tử.
Bi thảm hơn, giây phút tươi tắn của cậu học trò 16 tuổi, người Lebanon, Mohammed Shaar, trong tấm ảnh “tự sướng” cùng bạn bè ở trung tâm thủ đô Beirut đã bị nhuộm đỏ bởi chính máu của Shaar. Trong tấm ảnh chụp ngay sau đó của báo chí, Shaar nằm vật xuống, thương tích đầy mình. Cậu bé trở thành nạn nhân thiệt mạng trong vụ đánh bom nhằm vào đoàn xe của cựu Bộ trưởng Tài chính Lebanon Mohamad Chatah ngày 27-12-2013!
Bình luận (0)