xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kinh hoàng ngoài biển khơi

NGÔ SINH

Trong lúc chính phủ các nước thờ ơ thì Myanmar nhất quyết không tiếp nhận những người di cư Rohingya vì họ không có tư cách công dân nước này

Hàng ngàn người di cư vượt biển từ Myanmar và Bangladesh may mắn được lên bờ đã kể lại những trải nghiệm trong chuyến hải hành đầy đau khổ, bị trấn lột, đánh đập, đói khát và giết chóc. Trong khi đó, hàng ngàn người khác vẫn còn trôi dạt ngoài biển khơi, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Hành trình chết chóc

“Nếu biết chuyến đi khủng khiếp như vậy thì tôi thà chịu chết ở Myanmar còn hơn” - Manu Abudul Salam, 19 tuổi, người Rohingya ở bang Rakhine - nơi cộng đồng dân tộc thiểu số Hồi giáo phải chịu đựng nhiều cuộc tấn công trong suốt 3 năm qua, nói trong nước mắt.

Con tàu gỗ chở Manu và gần 800 người đến Langsa thuộc tỉnh Aceh, miền Đông Indonesia. Cách đây 2 tuần, khi con tàu này còn lênh đênh trên biển, nhà chức trách các nước trong khu vực đã bắt đầu tiến hành cuộc trấn áp nạn buôn người. Các tổ chức cứu trợ và nhân viên bảo vệ nhân quyền nhận định cuộc trấn áp này khiến một số thuyền trưởng và bọn buôn người rời bỏ tàu thuyền, bỏ mặc người di cư.

 

Người di cư được chăm sóc y tế ở Langsa - Indonesia Ảnh: ABC NEWS
Người di cư được chăm sóc y tế ở Langsa - Indonesia Ảnh: ABC NEWS

 

Saidul Islam (19 tuổi, người Bangladesh) kể hàng chục người cùng đi với em đã chết trên tàu vì đói và bị thương trong cuộc ẩu đả xảy ra sau khi thuyền trưởng bỏ tàu. Chuyến đi của em kéo dài 3 tháng, khởi đầu từ khi một người đàn ông xuất hiện trong làng và hỏi có ai muốn vượt biển đến Malaysia hay không với lời hứa hẹn sẽ tìm được việc làm tốt hơn.

Khi tàu vừa ra khơi, thuyền trưởng đòi họ trả hàng trăm USD, rồi bảo gọi điện cho gia đình thanh toán khoản tiền này. Họ bị đánh đập và bị nhốt trong khoang tàu chật chội. Có người bị thuyền trưởng bắn chết khi đòi thức ăn. “Chúng tôi không thể chịu đựng được. Khi chúng tôi xin nước thì bị thuyền trưởng dùng dây điện đánh” - Saidul cho biết thêm.

Mohammad Rafique (21 tuổi) là người từng sống trong trại tị nạn ở Bangladesh cho đến khi lên tàu ra khơi tìm cuộc sống mới. “Họ hành hạ chúng tôi bằng búa, dao” - anh nhớ lại tình trạng bạo lực xảy ra trên tàu giữa các nhóm người di cư khác nhau và đưa cho phóng viên xem tấm thẻ chứng nhận là người Rohingya do Cao ủy Người tị nạn Liên Hiệp Quốc cấp ở Bangladesh.

Bị bọn buôn người bắt cóc và đẩy lên tàu di cư, cậu bé Absaruddin (14 tuổi) đã trải qua cơn ác mộng kéo dài gần 2 tháng. Em bị bỏ đói, chứng kiến cảnh người thân bị giết chết, buộc phải nhảy khỏi tàu để thoát thân. “Em chỉ muốn về nhà với mẹ thôi” - cậu bé thổn thức.

Theo lời cậu bé, lúc đầu, những người di cư mỗi ngày được ăn 2 bữa cơm và uống nước ngọt nhưng sau đó, họ chỉ được cấp bánh quy và buộc phải uống nước biển. Khoảng 100 người cùng đi trên chuyến tàu với em chết đói, xác bị quăng xuống biển. “Khi tàu gần đến bờ biển tỉnh Aceh - Indonesia, bạo lực đã nổ ra giữa người Rohingya và người Bangladesh, người ta sử dụng cả súng và những vật sắc nhọn để đánh nhau” - Absaruddin rùng mình.

Thảm họa nhân đạo

Theo ABC News, những người thoát chết sau khi tàu của họ chìm ngoài khơi bờ biển phía Đông đảo Sumatra hồi giữa tháng 5 vừa qua đã tường thuật lại cuộc tranh giành thức ăn và cả chỗ ở bị nhốt chật chội trong khoang tàu giữa người Bangladesh và người Rohingya.

Cảnh sát trưởng Sunarya ở Langsa thừa nhận: “Họ giết chóc lẫn nhau, ném nhau xuống biển”. Theo báo The Guardian (Anh), không ai có thể biết chính xác bao nhiêu người đã thiệt mạng trên boong những con tàu của người di cư. Mohammad Rafique đoán chừng 200 người chết trong chuyến tàu mà anh có mặt.

Muhammad Amin (35 tuổi, người Rohingya) xác nhận anh và một số người đã bị ném xuống biển khi tàu đang trôi dạt suốt 6 giờ. “Một gia đình 3 người bị đánh đập đến chết bằng tấm ván, xác của họ bị ném xuống biển” - Amin bàng hoàng nhớ lại. Amin lên tàu cách đây 3 tháng và bây giờ nằm trong số 677 người di cư đang tạm trú ở Langsa - Indonesia.

Tại bệnh viện ở Langsa, trên lưng một thanh niên còn hằn sâu những vết roi, lở loét; bên cạnh là những người đàn ông bị băng bó tay chân nằm trên băng ca. Dù vậy, họ cảm thấy mình quá may mắn khi giữ được tính mạng.

Khoảng 6.000-8.000 người còn đang lênh đênh ngoài khơi bờ biển Thái Lan, Indonesia và Malaysia chỉ với đồ ăn, thức uống ít ỏi. Liên Hiệp Quốc cảnh báo tình hình hiện nay có thể mau chóng trở thành cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng vì không một chính phủ nào trong khu vực muốn tiếp nhận họ.

Rafique nói khi con tàu chở anh trôi vào vùng biển Indonesia hồi tuần trước, hải quân nước này đã cung cấp lương thực và nước uống. Tuy nhiên, theo Rafique, anh và những người di cư đang tiếp tục bơ vơ ở xứ người. Anh lo lắng: “Họ hỏi chúng tôi đi đâu bây giờ? Chúng tôi bảo đến Malaysia. Thế là họ đưa chúng tôi đến biên giới Malaysia và tại đây chúng tôi cũng không được đón nhận”.

Malaysia đã đón hơn 45.000 người Rohingya trong mấy năm qua nhưng lúc này tuyên bố không thể nhận thêm nữa. Indonesia và Thái Lan cũng đã từng thể hiện quan điểm tương tự. Còn Myanmar quả quyết sẽ không tiếp nhận lại những người di cư Rohingya, trừ phi họ chứng minh có tư cách công dân nước này.

 

Những “cỗ áo quan” trôi ngoài biển

Liên Hiệp Quốc lên tiếng cảnh báo về “những cỗ áo quan” trôi ngoài biển, đồng thời thúc giục các nhà lãnh đạo trong khu vực đặt tính mạng con người lên trên hết. Mỹ cũng kêu gọi các chính phủ đừng đẩy những con tàu chở người di cư ngược trở lại biển cả nữa. Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) đề nghị chính phủ các nước trong khu vực giúp đỡ và công bố chi 1 triệu USD hỗ trợ người di cư. Tổng Giám đốc William Lacy Swing của IOM kêu gọi các nước chung tay trợ giúp với những giải pháp lâu dài hơn, như hỗ trợ phương tiện giao thông và sắp xếp cuộc sống nhân danh lòng nhân đạo.

 

Kỳ cuối: Chưa có giải pháp

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo