Theo số liệu được Bắc Kinh công bố hôm 1-9, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm từ 50 điểm trong tháng 7 xuống còn 49,7 điểm trong tháng 8. Chỉ số PMI do Caixin/Markit công bố thậm chí còn thấp hơn: 47,3 điểm, thấp nhất kể từ năm 2009. Mức điểm dưới 50 phản ánh hoạt động sản xuất bị thu hẹp.
Reuters nhận định một loạt thông tin xấu nói trên khiến các nhà đầu tư lo ngại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có nguy cơ “hạ cánh cứng” (thuật ngữ phản ánh tình trạng một nền kinh tế nhanh chóng chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp và sau đó là suy thoái).
Đáng lo hơn, lĩnh vực dịch vụ - một trong những điểm sáng hiếm hoi của kinh tế Trung Quốc - cũng cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng nguội lại. Các nhà kinh tế của Ngân hàng ANZ nhận định tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý III/2015 có thể xuống dưới 6,5% sau một mùa hè “sản xuất uể oải”.
Một số cuộc khảo sát khác của Tập đoàn dịch vụ thông tin tài chính Markit (Anh) xác nhận khó khăn là tình cảnh chung của các nhà sản xuất khắp châu Á, như Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ… trong tháng rồi, chứ không chỉ Trung Quốc.
Riêng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 8 giảm 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái - mức giảm cao nhất kể từ năm 2009. Do Trung Quốc là thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn nhất của Hàn Quốc nên có thể thấy Seoul đang chịu tác động bởi nhu cầu sụt giảm của láng giềng. Tương tự, doanh số bán lẻ ở Hồng Kông vừa trải qua tháng sụt giảm thứ 5 liên tiếp khi số lượng du khách từ đại lục giảm 9,8% trong tháng 7.
Thực trạng kinh tế u ám khiến một loạt thị trường chứng khoán ở châu Á và châu Âu lao dốc. Giá dầu thô Brent tại thị trường London - Anh và dầu thô Mỹ cũng lần lượt giảm hơn 3% (có lúc còn 52,15 USD/thùng và 47,20 USD/thùng) sau khi tăng trên 8% trong 3 ngày liên tiếp (tính đến 31-8).
Bình luận (0)