Đêm 30-3, quốc hội Peru sa thải Thủ tướng Ana Jara, 47 tuổi, vì liên quan đến những cáo buộc do thám quy mô lớn nhắm vào các chính khách (và gia đình), nhà lập pháp, doanh nhân và cả công dân bình thường.
Oái oăm thay, theo báo The Wall Street Journal, trước đó 10 ngày, chính bà Jara dùng quyền thủ tướng cách chức nhân vật đứng đầu Cơ quan Tình báo quốc gia Peru (DINI) và một số quan chức cao cấp khác với lý do tương tự.
Đây là vụ bê bối chính trị lớn nhất dưới thời Tổng thống Ollanta Humala và là một trong những khủng hoảng nghiêm trọng nhất Peru những năm gần đây. Vì vụ này, chính phủ Peru đã ra lệnh DINI tạm đóng cửa hồi tháng 2 qua.
“Bà Jara không phải là người ra chỉ thị do thám nhưng trong chính trị, phải có ai đó lãnh trách nhiệm” - nhà lập pháp đối lập Javier Bedoya lập luận trước cuộc bỏ phiếu loại bỏ nữ thủ tướng. Được quốc hội triệu tập, bà Jara nhấn mạnh việc truy tìm dữ liệu liên quan đến những người thuộc diện điều tra cho thấy ít nhất 2 đời chính phủ trước có dính líu.
Như thế, bà Jara trở thành thủ tướng Peru đầu tiên bị quốc hội phế truất kể từ năm 1968. Trong những ngày tới, Tổng thống Humala phải bổ nhiệm thủ tướng lần thứ bảy chỉ trong vòng 4 năm cầm quyền, đồng thời lập ra nội các thứ ba trong vỏn vẹn 13 tháng. Người ta đang đặt câu hỏi: Trong 1 năm cầm quyền còn lại, liệu ông Humala có phải tìm kiếm thêm thủ tướng nào mới không?
Bà Jara là nhân vật gần gũi với Tổng thống Humala và đệ nhất phu nhân. Năm 2011, bà được chỉ định làm bộ trưởng Bộ Phụ nữ; đến tháng 2-2014, chuyển sang đứng đầu Bộ Lao động và Xúc tiến việc làm. Bà ngồi vào ghế thủ tướng sau khi người tiền nhiệm René Cornejo từ chức hồi tháng 7-2014 dù ông mới nhận “ghế nóng” được 5 tháng. Ông Cornejo ra đi vì cố vấn của ông bị cáo buộc sắp đặt chiến dịch làm mất uy tín một nghị sĩ đối lập.
Bình luận (0)