Lá cờ này được xem là biểu tượng của các bang miền Nam nước Mỹ trong cuộc nội chiến chống chính phủ liên bang miền Bắc bắt đầu năm 1861. Cuộc chiến kết thúc năm 1865, đánh dấu sự chấm dứt của chế độ nô lệ tại Mỹ. Không ít người Mỹ xem lá cờ đó là biểu tượng của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chế độ nô lệ.
Sự phản đối âm ỉ từ lâu lại bùng phát sau khi xuất hiện nhiều hình ảnh Dylaan Roof, kẻ bắn chết 9 người da màu tại một nhà thờ ở TP Charleston, bang Nam Carolina hồi tuần trước, chụp chung với lá cờ Confederate và đưa ra những tuyên bố sặc mùi phân biệt chủng tộc.
Thống đốc bang Nam Carolina Nikki Haley và hàng loạt nhà lập pháp khác đang kêu gọi hạ lá cờ gây tranh cãi trong khi các nghị sĩ bang Mississippi cũng đệ trình dự luật cấm treo cờ Confederate bên cạnh cờ của bang. Còn Thống đốc bang Virginia Terry McAuliffe muốn bỏ lá cờ Confederate khỏi biển số xe của bang này.
Chiến dịch rầm rộ lan sang cả thị trường bán lẻ khi hàng loạt “đại gia” thâu tóm thị trường xứ sở cờ hoa đồng loạt tuyên bố ngừng bán cờ Confederate. Đi tiên phong là nhà bán lẻ Walmart với thông báo “cấm cửa” cờ Confederate từ đêm 22-6.
Các công ty tiếng tăm khác như eBay, Sears, Target, Etsy, Google Shopping sau đó có bước đi tương tự. Không chỉ cờ Confederate mà tất cả hàng hóa ăn theo biểu tượng Confederate như quần áo, khăn tắm… cũng bị “ghét lây”.
Đại gia thương mại điện tử Amazon vào sáng 23-6 (giờ Mỹ) vẫn lẳng lặng bày bán không chỉ cờ Confederate mà còn hàng ngàn mặt hàng liên quan. Song tới trưa cùng ngày, sức ép của cư dân mạng buộc công ty này phải ra thông báo ngừng bán tất cả các mặt hàng mang biểu tượng Confederate.
Dù vậy, một số công ty nhỏ lại ghi nhận sự gia tăng ngoạn mục về nhu cầu đối với cờ Confederate vốn tiêu thụ cực kỳ ì ạch nhiều năm qua, trong đó nhiều khách hàng không giấu giếm ý định mua cờ để… đốt!
Bình luận (0)