Tổng thống thứ 35 của Mỹ John F. Kennedy thiết lập rất nhiều tiền lệ khi ông đắc cử năm 1960.
Bước ngoặt lịch sử
Ông là tổng thống dân cử trẻ tuổi nhất, ông chủ Nhà Trắng đầu tiên chào đời ở thế kỷ XX, đồng thời cũng là tổng thống Công giáo đầu tiên. Cuộc đua giữa ông Kennedy và đối thủ Richard Nixon, một bên là một nghị sĩ gần như vô danh đến từ bang Massachusetts đối đầu với một bên là chính trị gia dày dạn kinh nghiệm với 2 nhiệm kỳ làm phó tổng thống, cũng đánh dấu một tiền lệ khác mang tính bước ngoặt trong lịch sử bầu cử Mỹ. Đó là lần đầu tiên các cuộc tranh luận giữa các ứng viên tổng thống “gõ cửa” từng gia đình Mỹ.
Cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp lần đầu tiên bắt đầu khi 80% người Mỹ có tivi trong nhà so với con số 11% khiêm tốn của năm 1950.
Theo trang History, để cuộc tranh luận tiên phong được bấm máy, quốc hội Mỹ đã phải tạm thời treo một điều khoản của Đạo luật Truyền thông năm 1934 vốn quy định các đài truyền hình, phát thanh Mỹ phải dành thời lượng lên sóng công bằng giữa tất cả các ứng viên chứ không chỉ dành cho những ứng viên đến từ đảng lớn.
Hơn 77 triệu người trong tổng số 180 triệu dân Mỹ đã theo dõi màn “khẩu chiến” lịch sử. Tuy vậy, ứng viên Nixon - người dẫn trước ông Kennedy trong các cuộc thăm dò dư luận trước đó - hẳn là sẽ ước gì mình không tham gia vào sự kiện gây đảo chiều đường đua này.
Theo CNN, thời điểm diễn ra cuộc tranh luận đầu tiên vào đêm 26-9-1960, ông Nixon mới xuất viện sau thời gian điều trị đau đầu gối. Ứng viên Đảng Cộng hòa còn không chịu trang điểm khiến sự xanh xao và ốm yếu càng lộ rõ trong ánh sáng phòng thu tại đài truyền hình CBS ở TP Chicago.
Suốt cuộc tranh luận, ứng cử viên “nặng ký” hơn lại không khỏi khiến khán giả ngao ngán khi ông vã mồ hôi đầm đìa và liên tục rút khăn lau mặt.
Ngược lại, đối thủ kém 4 tuổi của ông Nixon xuất hiện với vẻ ngoài khỏe khoắn, làn da rám nắng, mặc vest màu xanh, nổi bật trên nền phòng thu. Ứng viên điển trai của Đảng Dân chủ còn “ghi điểm” với phong thái tự tin nhìn thẳng vào camera thay vì đối thủ.
Khoảng 70 triệu khán giả theo dõi cuộc tranh luận cho rằng ông Kennedy sẽ thắng trong khi những người thấy Phó Tổng thống Nixon thuyết phục hơn lại chính là những thính giả theo dõi tranh luận qua radio. Kết quả cuối cùng từ cuộc bầu cử ngày 8-11-1960 đã khẳng định chiến thắng của ông Kennedy với tỉ lệ 49,7%-49,5%, đồng thời ứng viên này có được 303 đại cử tri so với 219 đại cử tri của đối thủ Nixon.
Khó có thể kết luận người thắng cử trong cuộc đua này do chính cuộc tranh luận nói trên định đoạt bởi thực tế ông Kennedy còn có sự trợ giúp đắc lực từ những lá phiếu của người Mỹ gốc Phi nhờ sự ủng hộ của nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King.
Tuy nhiên, các sử gia lẫn chính trị gia đều cho rằng cuộc tranh luận đã thay đổi cục diện của chiến dịch tranh cử. Có lẽ do là người thấm thía nhất bài học xương máu này nên ông Nixon nhất quyết từ chối “lên hình” tranh luận trong những lần tranh cử sau đó vào các năm 1968 và 1972.
Sự cố khó đỡ
Cho tới năm 1976, hoạt động tranh luận trên truyền hình mới được nối lại sau 16 năm gián đoạn giữa tổng thống đương nhiệm Gerald Ford và Thống đốc bang Georgia Jimmy Carter. Lúc này, Ủy ban Truyền thông liên bang đã cho phép tổ chức tranh luận giữa 2 ứng viên đảng lớn mà không cần đạo luật đặc biệt của quốc hội.
Tuy nhiên, sự cố đã xảy ra khi vòng tranh luận mở màn chỉ còn 9 phút. Hai bên đang “đấu khẩu” sôi nổi thì bỗng dưng im bặt vì lỗi âm thanh. Sự cố đột ngột khiến người dẫn chương trình Harry Reasoner của đài ABC phải trấn an khán giả rằng đây “không phải là âm mưu chống lại Thống đốc Carter hay Tổng thống Ford”.
Trong suốt 27 phút sau đó, trong khi khán giả vẫn đang theo dõi, các kỹ sư âm thanh đang khắc phục sự cố thì 2 ứng viên… đứng bất động trong trường quay!
Cuộc tranh luận bầu cử diễn ra 4 năm sau đó tiếp tục ghi nhận một tình huống khó đỡ khác. Lúc bấy giờ, Tổng thống Jimmy Carter cho rằng tranh luận ba bên chẳng khác gì họp chợ nên ông nhất quyết từ chối tham gia bất cứ cuộc đấu khẩu nào có cả ứng viên Đảng Cộng hòa Ronald Reagan và ứng viên độc lập John Anderson. Vị tổng thống đương nhiệm vắng mặt khi 2 đối thủ “so găng” lần đầu ngày 21-9-1980.
Cuối cùng, ông Carter cũng có một cuộc đấu khẩu tay đôi với đối thủ Reagan khi chỉ còn cách ngày bầu cử đúng 1 tuần. Cuộc tranh luận đã lôi kéo số lượng kỷ lục 80,6 triệu khán giả xem truyền hình và ông Reagan gây ấn tượng mạnh với câu hỏi “Cuộc sống của bạn có tốt đẹp hơn so với 4 năm trước đây?”. Câu hỏi đơn giản nhưng đủ thuyết phục được những cử tri đã ngao ngán chính phủ của ông Carter.
Một sự thật nữa hẳn sẽ khiến nhiều người bất ngờ, đó là số phận hẩm hiu của những cuộc tranh luận tổng thống Mỹ khi diễn ra vào mùa bóng chày hay lỡ trùng giờ với một bộ phim truyền hình hút khách. Hồi năm 2000, đài NBC bỏ qua 2 trong 3 vòng tranh luận để phát sóng các trận bóng chày quyết định, trong khi đài Fox bỏ 1 vòng để ra mắt tập đầu bộ phim “Thiên thần bóng tối” có sự tham gia của cô đào nóng bỏng Jessica Alba.
Cử chỉ lạ của Tổng thống Obama
Trong 3 cuộc tranh luận tổng thống với ứng viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney năm 2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama đặc biệt gây chú ý với cử chỉ đưa tay ra với ngón cái tựa trên đỉnh nắm tay nắm nhẹ mỗi lần muốn nhấn mạnh một điểm nào đó.
Các chuyên gia ngôn ngữ hình thể lập tức mổ xẻ cử chỉ rất nhỏ được cho là không hay thấy trong giao tiếp thông thường này dù ông chủ Nhà Trắng thể hiện rất tự nhiên. Chuyên gia nổi tiếng về ngôn ngữ cử chỉ Patti Wood gọi đây là “một vũ khí mang tính biểu tượng” và cho rằng Tổng thống Obama đã dụng ý luyện tập chiêu này để tạo hình ảnh mạnh mẽ và thu hút hơn. Và có vẻ như dụng ý đó đã thành công.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-10
Bình luận (0)