Được xây dựng theo phong cách Phục hưng của Ý với đủ loại đèn chùm lấp lánh và những bức bích họa ngoạn mục trên trần nhà cao, New York Café là một trong những quán cà phê lâu đời nhất ở thủ đô Budapest khi có tuổi thọ lên tới 125 năm. Nó trông giống như một tòa lâu đài xa hoa hơn là một nơi chỉ để ăn bánh và uống cà phê.
Vào những ngày đông khách nhất, New York Café sẽ tiếp đón khoảng 2.000 người. Số lượng khách này tạo thành một dòng người xếp hàng dài khắp con đường Erzsébet körút, một trong những đại lộ chính của Budapest.
Sự nguy nga đáng kinh ngạc của New York Café. Ảnh: New York Palace
Một khi đã tìm được bàn trống, các vị khách sẽ dành phần lớn thời gian để nhìn ngắm trần nhà, chiêm ngưỡng những cột đá cẩm thạch, tượng thiên thần và dĩ nhiên là cả chụp ảnh. "Mọi người đến đây, chụp ảnh rồi rời đi, một quá trình xoay vòng nhanh chóng" - ông Gabor Foldes, quản lý mảng PR & Marketing của khách sạn New York Palace, trả lời đài CNN.
Thực đơn bao gồm những món tráng miệng đặc trưng nhất của Hungary với 16 loại bánh ngọt. Tuy nhiên, thứ lôi kéo các du khách đến đây dĩ nhiên không phải là thức ăn mà là kiến trúc nguy nga của quán. Và mặc dù thị trường ngày nay đang rất cạnh tranh, New York Café vẫn có thể duy trì vị thế của mình một cách dễ dàng.
Ảnh: New York Palace
Câu chuyện về quán cà phê tráng lệ này khởi đầu từ năm 1894, khi Công ty Bảo hiểm New York Life mở trụ sở châu Âu tại thủ đô Budapest và quyết định xây một tiệm cà phê ngay bên trong trụ sở. Mặc dù cà phê được người Thổ Nhĩ Kỳ đưa đến Hungary lần đầu tiên từ thế kỷ 16 nhưng đến tận khi Đế quốc Áo - Hung được thành lập vào năm 1867, văn hóa cà phê mới thật sự bùng nổ ở Budapest.
Vào thời gian này, ước tính có khoảng 500 quán cà phê được khai trương trong thành phố và New York Café là một trong số đó. Chủ quán quyết định tạo nên "quán cà phê đẹp nhất thế giới" và đã làm hết sức mình để đạt được danh hiệu này.
Ảnh: New York Palace
"Đây không chỉ là nơi dành cho giới thượng lưu mà còn là điểm tụ họp của những nghệ sĩ nghèo. Họ đến đây với hy vọng sẽ có ai đó đáng mến mời họ một bữa ăn để đổi lấy một bài thơ tặng vợ hay một lá thư " - nhà phê bình ẩm thực người Hungary Andras Jokuti nhận xét.
Nhờ vậy, một phong trào văn học với tên gọi "Nyugat" ra đời, xuất phát từ một ấn bản gồm thơ và văn xuôi của các nhà văn người Hungar. "Với chúng tôi, đây không chỉ là một quán cà phê mà còn là nơi khởi nguồn của văn học Hungary hiện đại. Tất cả những nhà văn và nhà thơ nổi tiếng nhất đều đến đây. Chúng tôi rất tự hào về điều này" - ông Foldes chia sẻ.
Ngoài việc được chiêu đãi phần nhìn, các du khách còn có cơ hội trải nghiệm những món tráng miệng truyền thống của Hungary. Ảnh: New York Palace
Và một sự thật nữa là những tờ báo có sức ảnh hưởng nhất Hungary cũng được biên tập tại tầng 2 của cùng tòa nhà. Theo truyền thuyết, trong đêm khai trương quán, một nhóm các tác giả, bao gồm cả nhà văn nổi tiếng Molnár Ferenc, đã choáng ngợp với kiến trúc của New York Café đến mức ném chìa khóa cửa chính xuống sông Danube để quán có thể mở cửa suốt đêm. "Tôi không biết câu chuyện này có thật hay không vì khi đó ông Ferenc mới có 17 tuổi nhưng nó vẫn rất hay" - ông Foldes nói.
Tuy nhiên, dường như vị trí ngồi của các nhà văn trong quán cà phê có liên quan đến thứ bậc. "Khu vực thấp nhất được chúng tôi gọi là Nước Sâu vì các nghệ sĩ không chuyên nghiệp lắm luôn ngồi ở đó. Còn những người nổi tiếng sẽ ngồi trên lầu rồi đưa đồ ăn xuống cho những nghệ sĩ bên dưới và nói: 'Sáng tác cho tôi một câu chuyện đi'" - tổng quản lý Tamas Fazẹkas cho biết.
Ảnh: New York Palace
Mặc dù sự nổi tiếng của quán cà phê, đặc biệt là với các nhà văn, vẫn tiếp tục trong một thời gian dài, các sự kiện kể từ Thế chiến I đã có ảnh hưởng không ít. Qua nhiều năm, rất nhiều quán cà phê ở Budapest, trong đó có cả New York Café, đều đóng cửa. Sau đó, cửa tiệm trải qua vô số lần chuyển mình, ví dụ như nhà hàng hay thậm chí là cửa hàng bán quần áo thể thao.
Đến năm 2001, Tập đoàn Boscolo mua lại tòa nhà và tiến hành dự án cải tạo 5 năm dưới sự dẫn dắt của 2 kiến trúc sư sáng tạo Maurizio Papiri và Adam D. Tihany. Tòa nhà chính được "hô biến" thành một khách sạn sang trọng trong khi quán cà phê ở tầng trệt quay lại thời hoàng kim của nó. Một số chi tiết nhỏ đã được thêm vào, ví dụ như bức bích họa vẽ tượng Nữ thần Tự do.
Mặc dù nội thất của quán ít nhiều vẫn giống như trước đây nhưng nơi này không còn là nơi tụ họp của các tác giả người Hungary nữa. "Ngày nay nó giống như một điểm du lịch hơn nên chúng tôi không có nhiều khách hàng bản địa. Kể cả trong những ngày ế ẩm nhất, chúng tôi vẫn có khoảng 1.300 thực khách" - ông Foldes tiết lộ.
Ảnh: New York Palace
Bình luận (0)