Ngay khi thông báo chương trình nghị sự trong chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 6 hồi đầu tuần này, Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews đã không ngần ngại đề cập đến Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh.
Một tuần trước lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc, Thủ hiến vùng lãnh thổ phía Bắc Michael Gunner khen ngợi BRI là cơ hội kinh tế cho khu vực phía Bắc khô cằn và bị cô lập của Úc. Lấy ví dụ về thỏa thuận cùng có lợi của chính phủ Úc và Trung Quốc, ông Gunner chỉ ra thỏa thuận được ký kết năm 2015 trị giá 343 triệu USD, theo đó một công ty Trung Quốc được cho phép thuê cảng Darwin trong 99 năm.
Cảng Darwin ở vùng lãnh thổ Bắc. Ảnh:SCMP
Trong khi chính phủ Úc cẩn trọng trước các khoản đầu tư của Trung Quốc, từ chối ký thỏa thuận BRI và ngăn các cuộc đấu thầu của Trung Quốc liên quan đến mạng 5G cũng như mạng lưới điện của nước này, không ít các bang và vùng lãnh thổ trải thảm đỏ chào đón Trung Quốc mà phớt lờ những lo ngại của giới hoạch định chính sách quốc gia về tham vọng chiến lược của Bắc Kinh.
Ông Nick Bisley, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH La Trobe (Úc), nhận định: "Phần lớn là vì các bang và vùng lãnh thổ tập trung rất nhiều vào các vấn đề kinh tế hơn an ninh hoặc chiến lược, trong khi cách tiếp cận Trung Quốc của chính quyền Canberra ngày càng bị ảnh hưởng nhiều từ các cơ quan an ninh".
Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews. Ảnh: EPA
Victoria, bang đông dân thứ hai của Úc, đã xuất khẩu 6,8 tỉ USD hàng hóa sang Trung Quốc vào năm ngoái, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác và nhận ¼ trong tổng số các khoản đầu tư của Trung Quốc tại Úc. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của vùng lãnh thổ phía Bắc trong năm tài chính 2018-2019, với giá trị hàng hóa lên đến 1,8 tỉ USD.
Động thái hoanh nghênh BRI của các chính quyền địa phương khiến chính phủ Úc và Mỹ, đồng minh quân sự chính của Úc, lo ngại bởi Washington vốn xem sáng kiến này là phương tiện tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc trên khắp châu Á và hơn thế nữa.
Thủ tướng Úc Scott Morrison đã chỉ trích chính quyền bang Victoria về việc ký kết thỏa thuận với phía Trung Quốc mà không có sự tham vấn đúng đắn, mô tả động thái này là thiếu sự hợp tác cũng như không hữu ích trong việc giải quyết các mối quan hệ quốc tế.
Ông John Garrick, người chuyên nghiên cứu về chính sách Trung Quốc tại Trường ĐH Charles Darwin, cho rằng chính quyền khu vực có nguy cơ gây rạn nứt với chính phủ khi làm mờ ranh giới giữa sự phát triển kinh tế và các vấn đề đối ngoại.
"Một số quan chức, đặc biệt ở cấp địa phương, rất muốn củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với lợi ích thương mại của Trung Quốc để đôi bên cùng có lợi nhưng ở khía cạnh BRI họ không có thẩm quyền. Không có dấu hiệu rõ ràng nào từ phía chính quyền liên bang cho thấy BRI nằm trong chương trình nghị sự của chính phủ Úc" - ông Garrick cho hay.
Bình luận (0)