Sau khi đáp xuống "vùng tối" của mặt trăng hôm 3-1, tàu vũ trụ Hằng Nga 4 của Trung Quốc đã chụp và truyền ảnh về cho vệ tinh viễn thông Cầu Ô Thước. Được phóng đi vào ngày 8-12-2018, tàu này đáp xuống khu vực Von Kármán có bề ngang 177 km nằm trong lưu vực Nam Cực - Aitken (SPA) gần cực Nam của mặt trăng như kế hoạch. Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) tuyên bố thành công của sứ mệnh lần này đã "vén màn bí ẩn" vùng tối của mặt trăng và "mở ra một chương mới trong sứ mệnh khám phá mặt trăng của nhân loại".
Mặt trăng quay đều trên trục của mình khi quay quanh trái đất nên lúc nào cũng có một khu vực không thể quan sát được từ trái đất, được các nhà khoa học gọi là "vùng tối". Theo Cơ quan Quản lý Không gian quốc gia Trung Quốc, nhiệm vụ của tàu vũ trụ Hằng Nga 4 là khảo sát địa hình, địa mạo và thành phần khoáng sản của mặt trăng, cũng như đo đạc bức xạ neutron và các nguyên tử trung tính để tìm hiểu thêm môi trường tại "vùng tối" lẫn "vùng sáng" của mặt trăng.
Trong thời gian tới, tàu sẽ tiến hành thí nghiệm sinh học để xem liệu hạt giống, đặc biệt là khoai tây và các loài hoa nhỏ, có thể nảy mầm và trứng tằm có thể nở trong môi trường trọng lực thấp của mặt trăng hay không. Đây là một bước quan trọng hướng đến kế hoạch tiến hành các sứ mệnh không gian lâu dài có sự tham gia của con người. Bên cạnh đó, tàu vũ trụ Hằng Nga 4 cũng tiến hành các thí nghiệm vô tuyến thiên văn đầu tiên.
Theo tờ South China Morning Post, nếu mọi chuyện thành công, Bắc Kinh sẽ bước sang giai đoạn 2 của Chương trình Khám phá mặt trăng Trung Quốc (CLEP) - một trong 16 mục tiêu quan trọng nhất mà chính phủ nước này đề ra. Trong giai đoạn 3 và cuối cùng của CLEP, Trung Quốc sẽ phóng tàu vũ trụ Hằng Nga 5 lên mặt trăng khảo sát, lấy mẫu vật và trở về trái đất.
Ảnh chụp “vùng tối” của mặt trăng do tàu vũ trụ Hằng Nga 4 gửi về Ảnh: AP
Các tàu vũ trụ trước đây từng chụp ảnh vùng khuất của mặt trăng nhưng chưa bao giờ đáp xuống đó khảo sát. Theo đài Al Jazeera, vùng khuất của mặt trăng có thành phần khác với vùng sáng từng được các tàu vũ trụ của Mỹ, Nga, Trung Quốc lần lượt đáp xuống trong các giai đoạn 1969-1972, 1976 và 2013. Với tham vọng sánh vai Mỹ và Nga để trở thành một cường quốc vũ trụ trước năm 2030, Bắc Kinh đang lên kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ có người thường trực của riêng họ vào năm tới.
Không chỉ Trung Quốc, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng vừa lập kỳ tích khi tàu vũ trụ New Horizons của họ tiếp cận thiên thạch Ultima Thule vào đúng ngày đầu năm 1-1-2019 (sau khi được phóng đi hồi tháng 1-2006).
Nằm cách trái đất 6,4 tỉ km, Ultima Thule nằm trong vành đai Kuiper (vành đai Kha Y), là vật thể xa nhất (cũng có thể là xưa nhất) từng được con người khảo sát trong hệ mặt trời. Ông Alan Stern, người đứng đầu sứ mệnh Ultima Thule, cho biết thiên thạch này độc đáo vì nó xuất hiện từ những ngày sơ khai của hệ mặt trời và có thể ẩn chứa thông tin giải đáp các câu hỏi về nguồn gốc của các hành tinh khác trong hệ mặt trời.
Trong bức ảnh đầu tiên tàu New Horizons gửi về NASA, Ultima Thule có hình dạng khá ngộ nghĩnh: Giống như người tuyết. Theo nhà khoa học Jeff Moore tham gia sứ mệnh khảo sát Ultima Thule, thiên thạch này hình thành sau một vụ va chạm giữa 2 thiên thạch, được đặt tên là Ultima và Thule, ở vận tốc rất chậm (có thể là 2-3 km/giờ) vào thuở sơ khai của hệ mặt trời.
Các nhà khoa học cho biết New Horizons đang bay quanh Ultima Thule với vận tốc 51.000 km/giờ, ở khoảng cách 3.500 km - khoảng cách tiếp cận gần nhất. Khoảng 1% tổng số dữ liệu được New Horizons thu thập trong giai đoạn "bay lướt qua" đã được tải về trái đất. Do khoảng cách quá xa nên phải mất 20 tháng để toàn bộ dữ liệu được tải về đến trái đất.
Bình luận (0)