Theo Reuters, vật thể nói trên được các nhà khoa học gọi là Ultima Thule – một thiên thạch cách trái đất 6,4 tỉ km, nằm tại một khu vực trong hệ mặt trời có tên là Vành đai Kuiper (Vành đai Kha Y). Theo AP, Ultima Thule - được phát hiện vào năm 2014 - có chiều dài khoảng 32 km và có hình dạng như một hạt đậu phộng.
"Lần đầu tiên trong lịch sử, một tàu vũ trụ có thể khảo sát được một vật thể cách xa trái đất như thế" – nhà khoa học Alan Stern, người đứng đầu sứ mệnh này của NASA, hào hứng chia sẻ.
Khoảng cách từ trái đất đến thiên thạch Ultima Thule là 6,4 tỉ km. Ảnh: NASA
Theo ông Stern, tàu vũ trụ New Horizons tiếp cận, chụp và gửi ảnh thiên thạch Ultima Thule vào lúc 12 giờ 33 phút ngày 1-1-2019 (giờ EST). Tuy nhiên, phải mất khoảng 10 giờ sau đó, loạt ảnh này mới đến được trái đất vì khoảng cách quá xa. Được biết, New Horizons đã chụp 900 bức ảnh trong lúc bay cách Ultima Thule khoảng 3.500 km ở vận tốc 51.500 km/giờ.
Việc tường thuật trực tiếp quá trình New Horizons "tác nghiệp" gần như là bất khả thi vì phải mất hơn 6 giờ đồng hồ để tín hiệu gửi từ trái đất đến được New Horizons và thêm 6 giờ nữa để tín hiệu hồi đáp đến trái đất.
Ảnh phác họa thiên thạch Ultima Thule. Ảnh: EPA
Theo ông Stern, thiên thạch Ultima Thule độc đáo vì nó xuất hiện từ những ngày sơ khai của hệ mặt trời và có thể ẩn chứa thông tin trả lời các câu hỏi về nguồn gốc của các hành tinh khác trong hệ mặt trời.
Dù đã tiếp cận được Ultima Thule, tàu vũ trụ New Horizons vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro phía trước. Theo các nhà khoa học tham gia sứ mệnh Ultima Thule, chỉ cần va chạm với một mảnh vỡ trong không gian nhỏ như hạt gạo thôi là tàu vũ trụ New Horizons cũng có thể nổ tung "ngay lập tức".
Tàu vũ trụ New Horizons, được phóng đi vào tháng 1-2006, sẽ chụp ảnh và thu thập dữ liệu của Ultima Thule trong nhiều tháng tới, theo NASA.
Các nhà khoa học NASA ăn mừng. Ảnh: NASA
Ảnh phác họa tàu vũ trụ New Horizons do NASA cung cấp. Ảnh: AP
Tàu vũ trụ New Horizons của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) hôm 1-1-2019 đã tiếp cận, chụp và gửi ảnh về vật thể xa nhất
Bình luận (0)