Bà Suu Kyi, 69 tuổi, đến thăm Trung Quốc với tư cách là một phụ nữ tự do và là một chính trị gia trước thềm bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay. Đảng Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ (NLD) của bà được kỳ vọng đạt được kết quả tốt nếu cuộc bầu cử công bằng và tự do. Trung Quốc vốn ủng hộ chính quyền quân sự tại Myanmar trong khi ngược lại chính quyền này chịu sự trừng phạt của phương Tây.
Theo ông Nicholas Farrelly, chuyên gia về Myanmar của trường ĐH Quốc gia Úc, cho rằng bà Suu Kyi nhận biết Trung Quốc sẽ đóng một vai trò quan trọng đối với tương lai của Myanmar. Giáo sư Phạm Hồng Vĩ của Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc trường ĐH Hạ Môn cho biết: “Điều cuối cùng Bắc Kinh muốn là một sự thay đổi trong chính sách của Myanmar đối với Trung Quốc trước sự ảnh hưởng của phương Tây”.
Bà Suu Kyi đến thăm người hàng xóm phương Bắc của Myanmar cùng với các thành viên thuộc NLD theo lời mời từ phía Trung Quốc. Đại diện NLD thông báo bà Suu Kyi sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Binh và Thủ tướng Lý Khắc Cường nhưng giới chức Trung Quốc chưa công bố lịch trình chi tiết. Những tháng gần đây quan hệ giữa Bắc Kinh và Myanmar nguội lạnh đi ít nhiều do tình trạng bùng phát xung đột sắc tộc tại vùng Kokang xa xôi thuộc tỉnh Shan, phía Đông Bắc Myanmar.
Trước thềm chuyến viếng thăm, Thời báo Hoàn cầu có bài xã luận nhận định bà Suu Kyi sẽ trở thành “một người bạn tốt của Trung Quốc”. “Bà ấy đã có một số nhận xét tích cực về Trung Quốc trong những năm qua và có thái độ thực tế trong những tranh chấp liên quan đến các dự án của người Trung Quốc”.
Bà Suu Kyi là một trong những tù nhân chính trị được biết đến nhất trên thế giới, sống trong cảnh bị quản thúc tại gia tại Myanmar nhiều năm vì phản đối chính quyền quân sự. Bà được trao giải Nobel Hòa bình năm 2001.
Bình luận (0)