Đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, việc được công nhận là “lãnh đạo hạt nhân” sau Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) là một cú hích quan trọng.
Quyền phủ quyết
Sau khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, ấn tượng của dư luận với ông chính là tốc độ tập trung quyền lực nhanh chóng. Ông không những là người đứng đầu khối cơ quan Đảng - Nhà nước - Quân đội mà còn trở thành tổ trưởng của 6 tiểu tổ lãnh đạo trung ương, có thể can thiệp đến mọi lĩnh vực như kinh tế, cải cách và an ninh quốc gia. Song song đó, ông còn phát động chiến dịch chống tham nhũng với quy mô lớn chưa từng có.
Tuy nhiên, trong quá trình đó, ông Tập cũng đối mặt khó khăn với các nhóm lợi ích và từ các thế lực chống đối. Vì thế, việc được gọi là “lãnh đạo hạt nhân” (một danh hiệu quyền lực từng trao cho các cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân) sẽ giúp ông Tập đối phó hiệu quả hơn với các thế lực chống đối, hạn chế kiểm soát của những nhóm này đối với vấn đề nhân sự tại Đại hội lần thứ 19 CPC (gọi tắt là Đại hội Đảng 19, dự kiến diễn ra vào cuối năm 2017) và đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”.
Ngay sau khi hội nghị trên khép lại hôm 27-10, CPC đã khai trừ 2 quan chức quân đội cao cấp vì tham nhũng. Đó là ông Phạm Trường Bí, cựu Phó Chính ủy Quân khu Lan Châu và ông Ngưu Chí Trung, cựu Phó Tư lệnh Cảnh sát vũ trang nhân dân.
Ông Scott Kennedy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), cho biết danh xưng “lãnh đạo hạt nhân” có ý nghĩa biểu tượng quan trọng. “Hiện ông Tập có địa vị cao nhất. Mặc dù chính quyền Bắc Kinh không nói đến điều này nhưng trên thực tế, trong tầng lớp lãnh đạo cấp cao, ông ấy có quyền phủ quyết về nhân sự và chính sách” - ông Kennedy nói. Điều này đồng nghĩa, trở thành “lãnh đạo hạt nhân”, ông Tập chắc chắn có quyền quyết định cuối cùng đối với các vấn đề lớn như nhân sự cấp cao tại Đại hội Đảng 19.
Vật lưu niệm có hình các lãnh đạo Trung Quốc trong một cửa hàng ở Bắc Kinh. Ảnh: REUTERS
“Bước đệm”
Một số chuyên gia tán đồng đường hướng lãnh đạo cứng rắn là cần thiết để thúc đẩy cải cách thị trường, chống lại các nhóm lợi ích trong nền kinh tế chịu sự chi phối của doanh nghiệp nhà nước. Trái lại, vẫn có ý kiến cho rằng động thái trên chỉ nhằm tập trung quyền lực. “Quyền lực của ông Tập sẽ không ngừng được tăng cường. Quyền lực ông nắm giữ càng ngày càng lớn” - ông Timothy Heath, chuyên gia nghiên cứu vấn đề Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu quốc phòng RAND (Mỹ), nói với đài VOA.
Trong khi đó, nhà bình luận chính trị ở Bắc Kinh Trương Lập Phàm cho rằng song hành với việc ông Tập được xác định là “lãnh đạo hạt nhân” là tình thế không chắc chắn. “Hiện chưa rõ liệu các quan chức cấp cao sẽ nghe lời ông Tập hay không. Nếu kinh tế tiếp tục đi xuống và rạn nứt trong xã hội trở nên nghiêm trọng hơn, trách nhiệm của ông Tập sẽ lớn hơn” - ông Trương cảnh báo.
Một số người xem danh xưng “lãnh đạo hạt nhân” là bước đệm cho ông Tập để hoạch định nhân sự cho Đại hội Đảng 19. Gần đây, vài trang mạng người Hoa ở hải ngoại đồn thổi hai ông Hồ Xuân Hoa, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông và ông Tôn Chánh Tài, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, có triển vọng được đề cử thay thế ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Dù vậy, nhà chính trị học Joseph Fewsmith thuộc Trường ĐH Boston (Mỹ) nhấn mạnh vẫn chưa có gì chắc chắn. Ngoài ra, chuyên gia này không loại trừ khả năng Chủ tịch Trung Quốc nâng đỡ người thân tín xuất thân từ tỉnh Chiết Giang, vốn là bệ phóng chính trị của ông. Trang Economist dẫn lời vài nhà phân tích cho rằng thậm chí ông Tập chưa tính đến người kế nhiệm lúc này.
Bình luận (0)