Hội nghị toàn thể lần 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) khóa 18 dự kiến khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh hôm nay, 24-10, với sự tham gia của gần 400 đại biểu.
Vấn đề sống còn
Tân Hoa Xã cho biết hội nghị kéo dài 4 ngày này sẽ tập trung vào vấn đề kỷ luật đảng khi thảo luận dự thảo văn kiện mới về “quy tắc sinh hoạt chính trị trong đảng” trong tình hình mới và việc chỉnh sửa “quy chế giám sát trong đảng” được ban hành từ năm 2003.
Đài Deutsche Welle (Đức) dẫn một số nguồn tin cho biết Hội nghị Trung ương 6 dự kiến còn bàn về những quy định có thể buộc giới chức cấp cao kê khai tài sản, cung cấp những thông tin như liệu bạn đời và con cái họ có hộ chiếu hoặc bất động sản ở nước ngoài hay không.
Việc thông qua những quy định này có thể giúp các cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc có thêm “vũ khí” để điều tra hoạt động kinh doanh của bạn đời, con cái các quan chức cấp cao đương nhiệm hoặc mới về hưu.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động vẫn đang tiến hành mạnh mẽ, dẫn đến hàng trăm ngàn đảng viên bị kỷ luật trong gần 4 năm qua. Đài BBC nhận định giới lãnh đạo Trung Quốc xem việc chống tham nhũng là vấn đề sống còn đối với đảng.
Trước đó, tuyên bố của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương CPC đưa ra cuối tháng 9 nhấn mạnh cần cần nỗ lực nâng cao khả năng làm trong sạch, ngăn sự thoái hóa và chống tham nhũng của đảng. “Không có vùng cấm hoặc ngoại lệ trong vấn đề giám sát trong đảng” - tuyên bố nêu rõ.
Trước thềm hội nghị, Tân Hoa Xã hôm 18-10 dẫn thông báo từ Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ODCPC) cho biết đã kỷ luật 245 cán bộ, đảng viên sau khi kết thúc điều tra về 125 vụ sai phạm liên quan đến các cuộc bầu cử địa phương.
Hành vi sai phạm chủ yếu là tham gia các buổi tiệc tùng trái với quy định trong thời gian giám sát công tác bầu cử, tiết lộ thông tin bí mật, tìm cách thăng tiến bằng những thủ đoạn bất chính, phát tán thông tin bịa đặt liên quan đến bầu cử ở địa phương.
47 người phải chịu hình thức “xử lý kỷ luật đảng và luật hành chính” - cảnh cáo, giáng chức, cách chức hoặc khai trừ đảng. Ngoài ra, 135 người phải chịu hình thức “kỷ luật về mặt tổ chức,” gồm phê bình, giáng chức hoặc sa thải.
Củng cố quyền lực
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết Hội nghị Trung ương 6 sẽ quyết định chương trình nghị sự cho Đại hội Đảng lần thứ 19 vào năm 2017. Một số nhà phân tích nhận định hội nghị sẽ củng cố hơn nữa quyền lực của ông Tập, người dự kiến tiếp tục nắm quyền thêm 5 năm nữa.
Một nội dung cũng thu hút nhiều sự quan tâm là nhân sự, nhất là lộ trình kế nhiệm quyền lực mà ông Tập Cận Bình để lại tại Đại hội Đảng lần thứ 20 năm 2022. Trước mắt, theo tờ The Wall Street Journal, Đại hội Đảng 19 là cơ hội để ông Tập đưa các đồng minh vào những vị trí hàng đầu.
Một vấn đề đáng chú ý khác là ông Tập sẽ thành công đến đâu trong nỗ lực tiến hành các cải cách cần thiết để đưa kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại. Một thách thức lớn hiện nay là chuyện tăng cường kiểm soát các doanh nghiệp nhà nước, trong đó nhiều công ty đang hoạt động trì trệ hoặc hoạt động kém hiệu quả.
Chưa hết, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng chỉ ra những vấn đề xuất phát từ chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập. Chẳng hạn, một số quan chức địa phương không dám đưa ra quyết định do sợ trở thành mục tiêu của các cuộc điều tra tham nhũng.
“Ông Tập tin rằng CPC là thể chế quan trọng và duy nhất, có thể đương đầu với những vấn đề mà Trung Quốc đối mặt. Ngoài ra, để hiện thực hóa “giấc mơ Trung Hoa”, điều quan trọng là 89 triệu đảng viên phải thống nhất trong suy nghĩ và hành động” - bà Jude Blanchette, một nhà nghiên cứu tại Bắc Kinh, nhận định với tờ The Wall Street Journal.
Bình luận (0)